“Hắc huyền thoại: Ngộ Không” (Black Myth: Wukong), game bom tấn mới nhất của Trung Quốc, không chỉ phá vỡ kỷ lục ngành game mà còn có thể thúc đẩy sự thay đổi quan trọng trong cán cân sức mạnh công nghệ toàn cầu. Những gì có vẻ như chỉ là một trò chơi điện tử hành động, trên thực tế, lại là một thành phần quan trọng trong chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây trong ngành công nghệ.
“Hắc huyền thoại: Ngộ Không”, được phát hành bởi công ty Game Science của Trung Quốc vào ngày 19/8/2024, dựa trên tiểu thuyết kinh điển "Tây Du Ký". Bộ tiểu thuyết kể về hành trình gian nan của vị cao tăng Huyền Trang và các đệ tử sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật. "Vua khỉ" Tôn Ngộ Không bảo vệ sư phụ Huyền Trang, đối đầu và chiến đấu với nhiều loại tà ma, ác quỷ trên đường đi.
“Hắc huyền thoại: Ngộ Không” đã thu hút hàng triệu người bằng cốt truyện ly kỳ và hình ảnh tuyệt đẹp. Nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa ở Trung Quốc và nước ngoài, thu hút sự chú ý và khen ngợi vì đẳng cấp đồ họa chân thật và công nghệ tinh vi.
Theo tạp chí Asia Times, thành công của trò chơi không chỉ nằm ở số lượt tải xuống hay những lời khen ngợi, mà là thành công này thúc đẩy ngành công nghệ Trung Quốc tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng.
Trò chơi điện tử và sức mạnh toàn cầu
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã phải chạy đua với công nghệ, đặc biệt là trong sản xuất chất bán dẫn - những vi mạch nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Mỹ đã duy trì sự thống trị của mình trong lĩnh vực này bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất.
Đến năm 2024, Trung Quốc đã chuyển từ chính sách ngoại giao "chiến lang" sang cách tiếp cận hợp tác hơn để xây dựng lại các quan hệ quốc tế. Chính phủ cũng đã yêu cầu các công ty công nghệ như Huawei phát triển chip trong nước. Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc trong việc thúc đẩy phát triển và sản xuất chất bán dẫn bằng các phương pháp này vẫn còn hạn chế.
Trò chơi điện tử vốn đã có truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Từ những ngày đầu của Hệ thống giải trí Nintendo 8 bit cho đến PlayStation 5 hiện đại, ngành game điện tử luôn thúc đẩy các nhà sản xuất chip phát triển bộ xử lý, bộ xử lý đồ họa hoặc GPU nhanh hơn, hiệu quả hơn. Yêu cầu đồ họa cao của các game mới - độ phân giải cao, tốc độ khung hình nhanh hơn và kết xuất thời gian thực - đòi hỏi công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất. Việc phát triển GPU tiên tiến của các công ty như NVIDIA chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhu cầu của ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Xem trailer của "Hắc huyền thoại: Ngộ Không" (Nguồn: PlayStation)
Game thủ cần bộ xử lý tiên tiến để tận hưởng trải nghiệm hình ảnh và lối chơi cao cấp của “Hắc huyền thoại: Ngộ Không”. Được xây dựng bằng công cụ phát triển trò chơi điện tử Unreal Engine 5 hiện đại, game này mang đến cảnh tượng trực quan với đồ họa sống động, môi trường thế giới mở liền mạch và hệ thống chiến đấu phức tạp. Trò chơi có sẵn cho PlayStation 5 và PC trong khi nhà sản xuất Game Science có kế hoạch phát hành phiên bản cho Xbox.
Động lực phát triển chip bán dẫn
Khi “Hắc huyền thoại: Ngộ Không” lan rộng trên các nền tảng chơi game, nó không chỉ gây áp lực buộc các nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc phải chế tạo nhiều chip tốt hơn mà còn cho thấy tiềm năng thị trường to lớn đối với phần cứng hiệu suất cao, đặc biệt là đối với PC chơi game được trang bị GPU mạnh mẽ. Thành công của game này đã cho thấy nhu cầu lớn như thế nào.
Các nhà phân tích thị trường dự đoán ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc sẽ đạt doanh thu 66,13 tỷ USD trong năm 2024, so với 78,01 tỷ USD tại Mỹ. Các nhà phân tích dự đoán riêng game “Ngộ Không” sẽ có doanh số bán hàng hàng năm từ 30 triệu - 40 triệu bản trong năm nay.
Ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, đưa nước này thành một cường quốc toàn cầu, nhưng vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài về con chip.
Cùng với các hạn chế của phương Tây đối với xuất khẩu chip, “Ngộ Không” đã trở thành chất xúc tác quan trọng cho sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc và các công ty trong nước hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để đổi mới.
Áp lực này phù hợp với tham vọng công nghệ lớn hơn của Bắc Kinh. Kế hoạch "Made in China 2025" của chính phủ kêu gọi sự tự lực về công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn. Và các GPU tiên tiến không chỉ giới hạn trong ngành giải trí, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tiến bộ của AI, bao gồm học sâu (deep learning) và các hệ thống tự động.
Thể hiện sức mạnh văn hóa của Trung Quốc
Mặc dù có vẻ lạ khi liên kết trò chơi điện tử với địa chính trị, nhưng “Hắc huyền thoại: Ngộ Không” không chỉ là giải trí. Đây là một công cụ quyền lực mềm của Trung Quốc. “Quyền lực mềm” là quyền lực của các quốc gia gây ảnh hưởng lẫn nhau thông qua xuất khẩu văn hóa. Trong nhiều thập kỷ, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã thống trị nền văn hóa toàn cầu thông qua Hollywood, âm nhạc và trò chơi điện tử.
Giờ đây, Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh văn hóa của mình. Sự thành công của “Black Myth: Wukong” ở nước ngoài là một phần trong chiến lược xuất khẩu văn hóa và sức mạnh công nghệ của Bắc Kinh. Hàng triệu game thủ trên khắp thế giới hiện đang được tiếp xúc với thần thoại, nghệ thuật và những câu chuyện đậm văn hóa Trung Quốc thông qua một phương tiện kỹ thuật số cực kỳ tinh vi.
Nhưng “Hắc Huyền thoại: Ngộ Không” không chỉ là một chiến thắng về mặt văn hóa cho Trung Quốc; mà còn là một lời cảnh báo. Quốc gia này đang tận dụng ngành công nghiệp trò chơi điện tử bùng nổ của mình để thúc đẩy những tiến bộ trong một lĩnh vực sẽ định hình tương lai của công nghệ. Trò chơi này không chỉ xuất khẩu văn hóa Trung Quốc mà còn củng cố nền tảng công nghệ của họ bằng cách đẩy nhanh nhu cầu về chất bán dẫn trong nước.
Mặc dù game “Ngộ Không” là trò chơi giải trí cho hàng triệu người, nhưng nó cũng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật số. Trong tương lai, chúng ta có thể chứng kiến “Black Myth: Wukong” không chỉ là một trò chơi điện tử thành công mà còn là chất xúc tác giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ với phương Tây. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi dài hạn và các trò chơi điện tử như “Hắc huyền thoại: Ngộ Không” đang trở thành vũ khí hiệu quả.