Độc đáo những sáng tạo xanh của thày trò vùng sâu

Trở về từ cuộc thi Sáng tạo xanh toàn quốc năm 2016, điều lớn mà nhất thày và trò Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nhận được không chỉ là giải thưởng...

Ba học sinh La Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Hảo, Lê Thị Hạnh Nhi trao đổi để hoàn thiện sản phẩm túi giữ nhiệt thân thiện. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Túi giữ nhiệt thân thiện là một trong hai sản phẩm của Trường THPT An Lạc Thôn tham dự cuộc thi Sáng tạo xanh năm nay. Sản phẩm đạt giải 3 cho nhóm lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS.

Xuất phát từ việc quan sát thấy các bạn mua nước uống thường đựng trong túi ni lông vừa có hại cho môi trường, vừa không trữ nước lạnh được lâu, ba học sinh khối THCS của trường gồm La Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Hảo, Lê Thị Hạnh Nhi nảy ra ý tưởng thiết kế túi giữ nhiệt thân thiện với thiên nhiên.

Từ miếng xốp cách nhiệt và vải vụn, các em may thành túi giữ nhiệt dựa trên thiết kế của bình đựng nước, giữ nhiệt hiện nay và cấu trúc của các vỏ chai, có dây rút thuận lợi cho việc cất và lấy chai nước ra dùng.

Không chỉ mang đi dự thi, sản phẩm của nhóm làm ra đã được các bạn trong trường đón nhận và thích thú, phong trào mang nước đi học bằng túi giữ nhiệt thân thiện đang hình thành ở trường vùng sâu vùng xa yên bình này.

Em Lê Ngọc Hạnh Nhi, lớp 7A1, đại diện nhóm cho biết: “Thực tế khi nhóm em bỏ hai chai nước vào tủ lạnh, lúc mang ra ngoài, một chai em bỏ vào túi giữ nhiệt thân thiện, một chai để ở ngoài và canh độ tan hai bên. Khi chai nước ở ngoài đã tan đá, hết lạnh thì chai được bỏ trong túi giữ nhiệt thân thiện mới bắt đầu tan. Như vậy khả năng giữ nhiệt của túi trên 90%”.

Sản phẩm là ý tưởng hoàn toàn mới của học sinh trường, được ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao ở việc giá thành rẻ với khoảng 3.000 đồng/túi, dễ thiết kế, phù hợp với thực tiễn, tiện lợi cho mọi đối tượng và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Điều gây thích thú với học sinh là sản phẩm có thể được trang trí, may đính kèm hoa, hình thù ngộ nghĩnh hoặc cá tính, đáp ứng nhu cầu, sở thích của từng em.

Trong khi đó, sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học do các em khối THPT của Trường THPT An Lạc Thôn mang đi dự thi đã được thai nghén và hình thành từ năm học trước. Đến năm học 2015 - 2016, nhóm ba em Lê Song Hồ, Nguyễn Thị Yến Bình, Nguyễn Minh Tường đã đạt giải nhì với sản phẩm này ở lứa tuổi THPT.

Hai học sinh Lê Song Hồ, Nguyễn Thị Yến Bình thí nghiệm sản phẩm “Thuốc trừ sâu sinh học”. Ảnh: TTXVN phát

“Qua tìm hiểu, chúng em biết được 12,4% cây trồng nông nghiệp trên thế giới và 20% cây trồng ở Việt Nam bị sâu bệnh hại phá hàng năm. Nếu sử dụng thuốc trừ sâu trên thị trường thì chất hóa học nhiều sẽ có hại cho sức khỏe người dân mà giá thành cao, ảnh hưởng đến môi trường. Vậy nên nhóm quyết định tìm ra một sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học đơn giản, dễ làm và đạt hiệu quả tốt, thân thiện với môi trường”, em Nguyễn Minh Tường, lớp 11A1, đại diện nhóm chia sẻ.

Với quyết tâm tìm hiểu, nhóm thấy được nếu chế tạo thuốc trừ sâu từ tỏi, ớt, gừng… như một số nơi đã làm thì chỉ có tác dụng xua đuổi, không đạt hiệu quả cao trong diệt trừ sâu bệnh hại. Cũng nhờ nghiên cứu, thấy được trong cây thuốc cá và cây cúc dại có các chất Pyrethrin và Rotenon trừ sâu rất tốt, nhóm tiến hành thí nghiệm, áp dụng vào thực tế địa phương và cho ra thuốc trừ sâu sinh học.

Thuốc chủ yếu phun trên lá, thông thường đối với sâu tơ thì pha dung dịch khoảng 20ml thuốc - 2 lít nước trên 20 m2 đất, em Tường chia sẻ thêm. Sau khi áp dụng thực tế, khả năng tiêu diệt sâu tơ của thuốc khoảng 90%, hiệu quả cao ở cây rau muống và rau dền. Sản phẩm thân thiện, chi phí thấp, cách sản xuất đơn giản, hiệu quả cao là những ý kiến đánh giá nhóm nhận được từ cuộc thi.


Thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh, cách thành phố Sóc Trăng 50km, ngôi trường 33 tuổi này đã có 13 năm tham gia sôi nổi các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo của tỉnh và cả nước. Thành tích nhà trường có được là trên 60 giải thưởng trong và ngoài nước; trong đó có hai lần trường tham gia cuộc thi cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước của Thụy Điển, được đánh giá ý tưởng tốt và nằm trong top 25.

Ngoài các sản phẩm như túi giữ nhiệt thân thiện, thuốc trừ sâu sinh học, một số ý tưởng, sản phẩm như: Hệ thống xử lý khói lò than, làng không rác… đã được trường ứng dụng vào thực tế và đang triển khai trên địa bàn huyện.

Hiện nay, nhà trường có 9 nhóm học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó nhiều ý tưởng được thầy cô đánh giá cao và hỗ trợ các em trong khâu hướng dẫn, giải đáp thắc mắc và nắm bắt thể lệ các cuộc thi.

Với suy nghĩ, nghiên cứu khoa học là không giới hạn ở bất cứ ngôi trường nào, thầy và trò Trường THPT An Lạc Thôn đang từng ngày học hỏi, tìm tòi và sáng chế ra các mô hình, sản phẩm thân thiện với thiên nhiên.

Động lực để trường duy trì và phát huy tốt đó chính là niềm đam mê nghiên cứu của học sinh, sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên, sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của ngành giáo dục và cả sân chơi về khoa học công nghệ được tổ chức nhiều như hiện nay.

Hoài Thu (TTXVN)
30 sáng kiến được trao giải thưởng Sáng tạo xanh
30 sáng kiến được trao giải thưởng Sáng tạo xanh

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ chung kết và trao giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ 1 cho 30 sáng kiến nổi bật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN