Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ nông nghiệp và chăn nuôi Argentina (INTA) mới đây đã thử nghiệm thành công việc tận dụng khí metan bò thải vào môi trường mỗi khi ợ cỏ lên nhai lại, như là một nguồn năng lượng thay thế phục vụ sinh hoạt.INTA từng gây tiếng vang trong giới khoa học thế giới sau khi chế tạo thành công thiết bị đo khí thải được hình thành trong dạ cỏ của bò (ảnh: INTA) |
Thức ăn của bò là các chất xơ khó tiêu nên chúng phải ợ thức ăn đã phân hủy một phần trong dạ cỏ trở lại miệng để nhai lại. Cùng với thức ăn, bò còn ợ ra khí thải được tạo ra tại ngăn dạ dày kể trên.
Theo ước tính, mỗi ngày một con bò “xả” vào bầu khí quyển khoảng 250-300 lít metan. Khí thải từ miệng một con bò gây hại cho môi trường tương đương khí thải của một chiếc xe hơi phân khối lớn.
Vì không có cách nào bắt bò từ bỏ “thói quen” góp phần gây hiệu ứng nhà kính trên, các nhà khoa học đã đưa ra một giải pháp không chỉ mang ý nghĩa môi trường mà còn có giá trị kinh tế: sử dụng nó như khí đốt tự nhiên cho mục đích dân sinh.
Theo ông Ricardo Bualo, một trong những chuyên gia nghiên cứu đề tài trên của INTA, nếu được tận dụng, lượng khí bò thải ra một ngày đủ để vận hành một chiếc tủ lạnh 100 lít bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C trong 24 giờ (đây là loại tủ lạnh không có động cơ mà sử dụng khí đốt làm nhiên liệu thích hợp cho những nơi không có điện lưới).
Trong khi đó, ông Guillermo Berra, chuyên gia về sinh lý động vật của INTA, khẳng định công việc thu khí rất đơn giản và không tốn kém: chỉ cần sử dụng một hệ thông ống nhỏ dẫn khí từ dạ dày bò – phần lớn là metan và một phần là khí CO2- ra một túi nhựa được đeo như ba lô trên lưng nó, sau đó dùng một hợp chất để tách và một thiết bị để nén khí metan vào bình ga. Theo ông, có thể sử dụng khí này cho nhiều mục đích, kể cả làm nhiên liệu cho ô tô.
Đúng là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nguồn năng lượng hóa thạch vẫn chưa cạn kiệt, việc tận dụng nguồn khí thải trên chưa phải là một nhu cầu cấp bách, thế nhưng vào năm 2050, khi mà nguồn nhiên liệu truyền thống cạn kiệt, phát minh trên là một trong những giải pháp thay thế khả thi, ông Berra quả quyết.
Argentina nằm trong tốp các nước tiêu thụ đồng thời xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới. Với 40 triệu dân nhưng quốc gia Nam Mỹ này sở hữu đàn bò hơn 52 triệu con. Theo INTA, khí thải qua đường miệng của bò chiếm 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại “xứ sở Tango”./.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)