6 máy bay rơi liên tiếp và dấu hỏi đối với không quân Nga

Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, 6 máy bay chiến đấu của Nga đã gặp nạn. Ẩn sau đó là những câu hỏi mang tính hệ thống về không quân Nga.

Vụ tai nạn mới nhất xảy ra ngày 13/7: Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 (NATO định danh là “Con Gấu”) rơi xuống khu vực Viễn Đông của Nga. Khi đang thực hiện nội dung bay huấn luyện thì cả 4 động cơ đều trục trặc – một nguồn tin giấu tên cho biết. 5 người đã thoát dù an toàn, nhưng 2 thành viên phi hành đoàn thì tử nạn. Trước đó, hồi đầu tháng 6, một chiếc Tu-95 khác cũng đã gặp nạn. 4 trường hợp còn lại liên quan đến 2 máy bay ném bom Mig-29, 1 chiếc Su-24 và 1 chiếc Su-34 đời mới – đều bị rơi khi đang bay huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ.

Máy bay ném bom Tu-95 của không quân Nga. Ảnh: Commonwiki


Theo các chuyên gia hàng không, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn này nằm ở chỗ, không quân Nga đột ngột tăng cường các chuyến bay tuần tra, huấn luyện kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chỉ trong năm ngoái, NATO đã phải điều 400 lượt máy bay chặn đầu các chuyến bay tuần tra của Nga, tăng 50% so với năm 2013 trên không phận vùng Baltic, Tây Âu và thâm chí là cả dải bờ biển phía Tây Bắc Mỹ.

Mark Bobbi, chuyên gia phân tích hàng đầu tại cơ quan tư vấn quốc phòng IHS nhìn nhận, máy báy chiến đấu của Nga được thiết kế với chu kì phục vụ thấp, chỉ khoảng 10 năm là thay mới. Kinh nghiệm non kém của các phi công trẻ cũng là nhân tố làm gia tăng nguy cơ mất an toàn bay. Họ không có đủ giờ bay thực tế theo yêu cầu, không được trang bị các kĩ năng xử lý tình huống – ví dụ như kĩ thuật tiếp liệu trên không. Gần đây, không quân Nga mới được trang bị các tổ hợp mô phỏng huấn luyện bay hiện đại, giúp phi công thuần thục hơn trong thao tác trước khi bước lên buồng lái.

Hồi năm 2010, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho công bố một chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng trị giá 350 tỉ USD. Theo đó, 70% số vũ khí trang bị trong toàn quân sẽ đạt mức độ hoàn toàn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện gặp phải nhiều thách thức, đó là lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây dựng lên chống Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, trong đó có việc phong tỏa hoạt động mua bán, chuyển giao phương tiện, công nghệ quân sự. Ngân sách cũng gặp khó, do kinh tế suy thoái, cộng với nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh.

Mig-29 bay biểu diễn tại buổi lễ 100 năm ngày truyền thống không quân Nga. Ảnh: AP


Trong bối cảnh đó, việc hiện đại hóa không quân dường như tụt hậu so với các mục tiêu đề ra, do những khó khăn về mặt kĩ thuật, tài chính. Mới nhất là việc không quân Nga tuyên bố giảm số lượng đặt mua máy bay chiến đầu thế hệ thứ 5 PAK-FA, từ 52 xuống còn 12 chiếc. Các phi đội không được trang bị nhiều máy bay mới, vẫn phải sử dụng một số phương tiện chiến đấu thuộc diện “lão hóa”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do quy trình bảo dưỡng, nâng cấp không được chú trọng đúng mức. Đa phần máy bay trong phiên chế của không quân Nga đều được thừa hưởng từ thời Liên Xô. Các loại Tu-95, Mig-29, Su-24 mới gặp nạn đều đã có thời hạn phục vụ ít nhất là 24 năm trở lên, trong khi nguồn thiết bị thay thế thì khan hiếm.

Đơn cử như với Tu-95. Đây là dòng máy bay ném bom chiến đấu hạng nặng, có khả năng mang bom hạt nhân, tên lửa hạt nhân, được không quân Liên Xô lần đầu tiên đưa vào sử dụng năm 1965 và đã ngưng sản xuất vào năm 1994. 60 chiếc Tu-95 hiện vẫn được Nga sử dụng, tuy nhiên tiến trình cải tiến, hiện đại hóa đội bay này gặp nhiều khó khăn. Các nhà máy hiện chỉ có đủ năng lực để chế tạo được 10 động cơ mới thay thế cho loại máy bay ném bom 4 động cơ phản lực cánh quạt này.  Trong khi đó, gánh nặng vẫn đè lên Tu-95 - mẫu máy bay sẽ được nâng cấp để sử dụng đến năm 2040.
Hoài Thanh (Theo The Moscowtimes, The Week)
Rơi máy bay ném bom Tu-95 Nga
Rơi máy bay ném bom Tu-95 Nga

Một máy bay ném bom chiến lược của Nga Tu-95 cùng 7 thành viên phi hành đoàn đã gặp nạn tại khu vực Khabarovsk, Viễn Đông của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN