Thụy Sĩ xâm lược láng giềng 3 lần, vì nhầm lẫn

Hầu hết mọi người biết đến Thụy Sĩ là mảnh đất của cảnh đẹp núi non, sôcôla, đồng hồ và bộ dao nhíp trứ danh. Họ cũng nghĩ đây là quốc gia hòa bình, trung lập, tránh được các cuộc chiến tranh và chắc chắn không bao giờ xâm lược láng giềng. Nhưng điều đó không thực sự đúng, và Liechtenstein đã trải nghiệm điều này.

Chú thích ảnh
Quân đội Thụy Sĩ.

Liechtenstein là quốc gia nhỏ đến nỗi hầu hết người dân ngoài châu Âu không biết nó tồn tại. Diện tích Liechtenstein chỉ 62 dặm vuông, tức là còn nhỏ hơn Washington D.C, và chỉ gấp 3 lần quận Manhattan ở New York, Mỹ. 

Với dân số chỉ khoảng 37.000 người, Liechtenstein có chung đường biên giới với Thụy Sĩ ở phía tây và nam, với Áo ở phía đông và bắc. Tuy bé nhỏ nhưng Liechtenstein thuộc tốp những quốc gia giàu có nhất thế giới. Mặc dù vậy, Liechtenstein thiếu hai thứ quan trọng là sân bay và quân đội. Để bay tới đây, người ta phải sử dụng sân bay gần nhất ở Zurich, Thụy Sĩ. Còn quân đội thì đã được Liechtenstein giải tán từ năm 1868, khiến quốc gia này trở thành 1 trong 22 nước trên thế giới không có lực lượng vũ trang.

Chú thích ảnh
Lâu đài Vaduz, nhà của Hoàng tử Liechtenstein - người đứng đầu vương quốc.

Ngày 5/12/1985, quân đội Thụy Sĩ tiến hành một cuộc tập trận, bao gồm cả sử dụng tên lửa không đối đất. Mặc dù thời tiết xấu, gió mạnh, họ vẫn quyết định phóng tên lửa. Số tên lửa lao thẳng tới cánh rừng Bannwald của Liechtenstein, gây ra một đám cháy lớn, nhanh chóng lan rộng bởi trời gió mạnh.

Sự việc đã khiến hai quốc gia vốn giữ quan hệ láng giềng thân thiện, gặp xích mích về ngoại giao. Hai nước tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến đám cháy, do gió lớn, hay do sơ suất kỹ thuật. Điều đáng nói là Thụy Sĩ không nhận trách nhiệm hoàn toàn. Tuy vậy, Geneva cuối cùng đã chịu bồi thường thiệt hại môi trường hàng triệu franc cho Liechtenstein.

Ngày 13/10/1992, Thụy Sĩ lại tấn công lần nữa. Hôm đó, các học viên sĩ quan quân đội Thụy Sĩ đang diễn tập thì nhận được hướng dẫn bằng văn bản là phải lập một chốt kiểm soát ở Treisenberg. Đó là một ngôi làng nhỏ, với khoảng 2.500 người. Điều khiến Treisenberg trở nên đặc biệt là người dân nơi đây nói thứ tiếng thổ ngữ Đức, có từ thế kỷ 14. 

Với diện tích 11,58 dặm vuông, làng Treisenberg là một trong những cộng đồng lớn nhất ở… Liechtenstein. Điều kỳ cục là giới chức quân đội Thụy Sĩ quên mất Treisenberg thuộc quốc gia khác! Vì thế, nhận được lệnh, đội học viên sĩ quan Thụy Sĩ điềm nhiên lập chốt cho đến khi người dân địa phương tức giận truy vấn họ.

Chú thích ảnh
Sông Rhine là đường biên giới tự nhiên giữa Thụy Sĩ và Liechtenstein.

Lại nói về đường biên giới Thụy Sĩ - Liechtenstein, giữa hai nước không có trạm gác biên phòng nào, cả hai khu vực ven biên giới đều cùng nói thổ ngữ Đức, và công dân hai bên không cần visa để qua biên giới. Thêm nữa, họ cũng sử dụng chung tiền tệ. Thụy Sĩ vốn có xu hướng coi Liechtenstein như là bang thứ 27 của quốc gia này. Theo thỏa thuận giữa hai nước, Thụy Sĩ không chỉ chịu trách nhiệm về an ninh của Liechtenstein mà còn có quyền đại diện trong một số tình huống ngoại giao.

Một điều lạ lùng khác trong cuộc “xâm lược” thứ hai này là, mặc dù binh sĩ Thụy Sĩ đang tham gia diễn tập quân sự, được trang bị súng trường, nhưng không người nào trong số họ mang theo đạn. Đi nghĩa vụ quân sự là bắt buộc với mọi đàn ông Thụy Sĩ, và mỗi người đều được giữ một khẩu súng trường tấn công tại nhà, vì vậy chắc hẳn các học viên sĩ quan chỉ vác súng không đạn theo để rèn thể lực.

Chính phủ Thụy Sĩ đã lên tiếng xin lỗi, và đây mới là lúc chính phủ Liechtenstein lần đầu biết về vụ “xâm lược”. Khi được hỏi về vụ việc, người phát ngôn chính phủ Liechtenstein Gerlinde Manz-Christ, nói: “Không ai thực sự nhận ra điều đó”.

Lần này thì may mắn là không có thiệt hại nào trên lãnh thổ Liechtenstein, vì thế Thụy Sĩ không phải bồi thường. Tuy nhiên, danh tiếng của xứ sở đồng hồ thì phần nào bị ảnh hưởng khi vụ việc thổi bùng lên cuộc tranh luận nhạy cảm về lực lượng vũ trang nước này.

Chú thích ảnh
Không có đồn biên phòng nào giữa hai nước.

Rắc rối giữa hai nước vẫn chưa chấm dứt. Đêm 1/3/2007, một đêm bão bùng, trời tối đen, 171 lính bộ binh Thụy Sĩ hăng say tham gia diễn tập. Mỗi người đều được trang bị một bộ dao nhíp Thụy Sĩ, nhưng phiên bản mà họ mang theo lại không có cả la bàn lẫn GPS (định vị vệ tinh).

Rồi thời tiết trở nên xấu hơn, cơn mưa như trút khiến lực lượng bộ binh tơi tả. Đó cũng là lý do chính thức mà sau này Thụy Sĩ giải thích cho việc binh sĩ của họ “lạc” sang đất Liechtenstein một lần nữa. Tới sáng sớm, nhóm quân đã vượt sâu vào lãnh thổ nước láng giềng hơn 1 dặm trước khi nhận ra họ không còn ở trên đất Thụy Sĩ. Lúc này chỉ huy đơn vị mới ra lệnh cả đội quay trở về. 

Một lần nữa, Liechtenstein lại không hay biết gì về vụ xâm phạm lãnh thổ cho đến khi Thụy Sĩ đưa ra lời xin lỗi. Khi được hỏi về vụ việc, người phát ngôn Manz-Christ trả lời: “Còn ai vượt qua biên giới ngoại trừ Thụy Sĩ?”.

Giới chức Thụy Sĩ tự tin rằng không có hậu quả chính trị gì sau vụ việc. Hầu hết báo chí nước này thậm chí còn không đưa tin, bởi với họ đó không phải là tin tức.
 
Thu Hằng/Báo Tin tức
Thông tin ít biết về các cầu thủ tài năng, nghị lực của đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt
Thông tin ít biết về các cầu thủ tài năng, nghị lực của đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt

Câu lạc bộ Wild Boars được thành lập ba năm trước với hầu hết các cầu thủ là các em thuộc nhóm dân tộc thiểu số và cộng đồng nghèo khó Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN