Sự hỗ trợ to lớn của Liên Xô trước đây góp phần quan trọng giúp dân tộc Việt Nam nhỏ bé làm nên đại thắng lịch sử mùa xuân 1975. Đặc biệt, trong sự trợ giúp này có đóng góp của những người con Xô Viết ưu tú, đã kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong trận chiến chống ném bom bắn phá miền Bắc. Những ký ức không thể quên của họ là tư liệu vô cùng quý giá về giai đoạn hào hùng này.
St. Petersburg, thành phố cổ kính và vĩ đại của Piotr Đại đế, cái nôi của Hải quân Nga, cũng là nơi có khá nhiều cựu chiến binh Nga từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ ở Việt Nam. Đại tá Grigori Pereiatenets, sinh ngày 30/7/1930, nằm trong số những cựu chiến binh đó. Ông sang Việt Nam tháng 3/1966 với tư cách Giáo viên cao cấp huấn luyện hệ thống điều khiển phóng tên lửa phòng không Dvina, rồi sau đó chỉ huy một khẩu đội tên lửa thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 257.
Trong căn hộ nhỏ bé mang đậm dấu ấn Việt Nam của hai ông bà, ông Pereiatenets kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về các trận đánh máy bay Mỹ và cho xem cuốn album cũ lưu giữ ảnh các chuyên gia tên lửa Liên Xô. Ông cho biết thời đó việc chụp ảnh bị hạn chế vì lý do bí mật, do vậy những bức ảnh còn lưu giữ tới giờ là rất hiếm hoi. Đặc biệt, ông Pereiatenets còn cho chúng tôi xem tư liệu quý là các báo cáo gửi chính ủy, tường thuật những trận đánh của trung đoàn mà ông có được từ một người đồng đội đã qua đời.
Ông Pereiatenets kể về một trận đánh của mình: "Buổi sáng, nhóm máy bay F105 Mỹ bay vào ở độ cao từ 10.000-12.000m, chúng tôi thông báo sẵn sàng chiến đấu, khi các máy bay địch bay vào vùng bắn tên lửa, chúng tôi phóng 2 quả tên lửa và sau đó là quả thứ 3. Ngay lập tức 3 máy bay địch bị hạ. 2 máy bay địch bay vào tấn công chúng tôi bằng tên lửa không có điều khiển, các quả tên lửa này chỉ chệch đích trong gang tấc. Một bệ phóng tên lửa bị hư hại. Dây dẫn bị đứt...".
Đại tá S. Grechkin giới thiệu về các sợi gây nhiễu. |
Với Đại tá Sergey Grechkin, sinh ngày 2/11/1931, ông sang Việt Nam trong giai đoạn 1971-1972 trên cương vị trưởng nhóm chuyên gia thuộc Trung đoàn 257, bởi vậy ông còn lưu giữ rất nhiều tư liệu trong giai đoạn chiến đấu hào hùng của mình. Tiếp đón chúng tôi thân mật tại nhà con gái, sau khi vừa ngã gãy tay, ngoài cuốn album ảnh quý cùng những tấm bưu thiếp do đồng đội Việt Nam tặng, Đại tá Grechkin còn cho chúng tôi xem các dải kim loại gây nhiễu máy bay Mỹ thả, sơ đồ trận giao chiến với máy bay Mỹ ngày 16/4/1972, bảng thống kê các trận đánh ghi rõ số lượng máy bay Mỹ bị hạ.
Ông Grechkin kể: "Điều khó khăn nhất với chúng tôi là khi máy bay Mỹ tiến hành trinh sát trước khi chúng ném bom Hà Nội. Đây là nghi chép khi tôi ở trung đoàn, chúng tôi kiểm tra trung đoàn, trên thực tế máy bay Mỹ không cho phép chúng tôi có thể kiểm tra trung đoàn, chúng thường xuyên bay vào, các chiến sĩ liên tục phải vào vị trí chiến đấu, mở máy song sau đó máy bay Mỹ lại bay ra. Trong nhật ký trung đoàn mà tôi ghi lại, trong một ngày có đến 20 lần chúng tôi phải mở máy, và mọi người đều cảm thấy mệt mỏi. Người Mỹ 'quần' cho chúng tôi mệt rồi sau đó mới bay vào ném bom".
Đại tá A. Poveli cùng vợ. |
Cuộc gặp tại thị trấn Zelenograd ở ngoại ô St. Petersburg với Đại tá Anatolyi Poveli sinh ngày 16/01/2015 cùng vợ Ludmila, có lẽ thú vị hơn cả. Tại đây, trong hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi được nghe những câu chuyện rất "dân dã" song vô cùng thú vị về những trận đánh, những trải nghiệm lí thú của ông ở Việt Nam.
Ông kể: "Máy bay trinh sát Mỹ xác định vị trí trung đoàn khi tên lửa phóng đi, vì sau đuôi tên lửa là vệt lửa lớn. Nếu máy bay màu xanh, thì vệt lửa có màu đỏ cam, có thể thấy rõ từ rất xa. Nếu máy bay trinh sát địch phát hiện được điều này, chúng sẽ xác định được vị trí trung đoàn. Và nếu chúng tôi vẫn ở vị trí đó trong ngày hôm sau, đương nhiên máy bay Mỹ sẽ tới tấn công chúng tôi và chúng tôi phải di chuyển tới vị trí mới. Sau đó các đồng chí Việt Nam và chúng tôi nảy ra ý tưởng lập trận địa giả. Tên lửa làm bằng gỗ, sơn lên, sau đó làm giả ngụy trang, và trước khi trung đoàn bắt đầu bắn, tại vị trí đó, nơi có các tên lửa giả, cũng đốt hỗn hợp nhiên liệu, xăng và kêrôxin, để có thể trông thấy rõ. Máy bay trinh sát địch sẽ xác định địa điểm là trận địa giả. Trong khi sau đó 20 giây, tại vị trí thực chúng tôi mới bắn tên lửa. Tuy nhiên trận địa giả này không tồn tại lâu vì người Mỹ sớm phát hiện ra. Sau đó chúng tôi chuyển sang sử dụng không phải kêrôxin mà là nhiên liệu tên lửa thực và ôxy, để cho giống hệt với lửa từ động cơ tên lửa".