Tessy Thomas - “Người phụ nữ tên lửa”

“Agniputri” (Đứa con của lửa) là biệt danh mà người dân Ấn Độ dành tặng cho Tessy Thomas - biểu tượng cho sự thành công của nữ giới ở một đất nước còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Người phụ nữ 48 tuổi này hiện là Giám đốc dự án phát triển tên lửa Agni-V đầy tham vọng của Ấn Độ.


Tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V là một trong những dự án trọng điểm của ngành quốc phòng Ấn Độ. Vụ thử thành công loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn 5.500 km này hôm 19/4/2012 đã trở thành niềm tự hào của Ấn Độ và cho cả thế giới thấy sự trỗi dậy của quốc gia Nam Á này. Trong bài phát biểu chúc mừng những người gắn bó với dự án tên lửa Agni-V, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil nhấn mạnh: “Sự góp mặt của Tessy Thomas trong dự án tên lửa Agni-V được kỳ vọng sẽ tạo hứng khởi cho nữ giới lựa chọn sự nghiệp làm khoa học”. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đánh giá, “đứa con của lửa” là bằng chứng chứng tỏ phụ nữ hoàn toàn có khả năng ghi dấu ấn ở những lãnh địa tưởng chừng chỉ dành cho phái mạnh.


 

Tessy Thomas của những dự án phát triển tên lửa và của gia đình.

 

Niềm đam mê khoa học đã sớm trỗi dậy trong Tessy Thomas ngay từ những ngày thơ ấu ở Alappuzha, Kerala. Cô con gái của một doanh nhân nhỏ với một người nội trợ có sở thích khá nam tính là được “chiêm ngưỡng” những vụ phóng tên lửa tại bãi phóng Thumba ở gần nhà. Đến giờ, Tessy Thomas vẫn còn nhớ cảm giác hứng khởi mỗi lần được xem phóng tên lửa. Và song hành với niềm hứng khởi ấy là niềm đam mê toán học và khoa học.


Bị “chàng hoàng tử” khoa học hớp hồn, Tessy Thomas, sau khi rời trường trung học, đã ghi danh vào Đại học Kỹ thuật Thrissur và đạt được học vị tiến sĩ. Cô gái thích xem phóng tên lửa cũng đã hoàn thành khóa đào tạo về tên lửa dẫn đường tại Học viện công nghệ vũ trang Pune, nay là Học viện quốc phòng về công nghệ tiên tiến.


Năm 1985, thế giới tên lửa đã mở ra với Tessy Thomas khi cô là một trong 10 thanh niên trên toàn đất nước được lựa chọn tham gia một chương trình của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ. Công việc đầu tiên của Thomas ở DRDO là tham gia phát triển hệ thống dẫn đường cho các loại tên lửa Agni. Cô may mắn được làm việc với A.P.J. Abdul Klam, kiến trúc sư trưởng của chương trình phát triển tên lửa và sau này là tổng thống Ấn Độ. Trong vụ phóng thành công tên lửa Agni đầu tiên năm 1989 có phần đóng góp của Thomas, người được báo chí địa phương gọi là “người phụ nữ tên lửa”.


 

Vụ phóng tên lửa Agni-V ngày 19/4/2012.

 

Gắn bó với DRDO, “người phụ nữ tên lửa” đã dần khẳng định được vị trí của mình. Thomas được tín nhiệm cử làm trợ lý Giám đốc chương trình tên lửa Agni-III, loại tên lửa tầm bắn 3.500 km đã được phóng thử thành công năm 2006.


Hai năm sau, Thomas lập kỷ lục là “nữ thủ lĩnh” đầu tiên ở cơ quan nghiên cứu hầu hết là nam giới, với vai trò Giám đốc chương trình phát triển tên lửa Agni-IV. Vụ phóng thành công loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn này vào ngày 15/11/2011 đã mang lại niềm vui, niềm hy vọng lớn cho Thomas, các đồng nghiệp của bà cũng như cả đất nước Ấn Độ.


Thành công tiếp nối thành công, “đứa con của lửa” tiếp tục được giao trọng trách Giám đốc chương trình phát triển tên lửa Agni-V. Và niềm vui đã vỡ òa khi ngày 19/4 vừa qua, tên lửa Agni-V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng 1,5 tấn được phóng thành công từ bãi phóng ở bang Orissa (miền đông Ấn Độ). Dư luận đánh giá, sự kiện này là “một cột mốc lớn trong chương trình phát triển tên lửa của Ấn Độ” và là “một sự kiện lịch sử của ngành quốc phòng Ấn Độ”. Nhưng người đứng đầu chương trình ấy khiêm tốn cho rằng: “Thành công có được là nhờ từng thành viên trong nhóm đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Tôi chỉ là người cầm trịch mà thôi”.


Hiện “người phụ nữ tên lửa” đang lãnh đạo khoảng 400 nhà khoa học, phần đa là nam giới. Nhưng cái sự “dương cực thịnh, âm cực suy” này không làm Thomas bối rối. Bà khẳng định: “Trong khoa học không có chuyện phân biệt nam nữ. Khoa học là khoa học. Đó là cách chúng tôi học hỏi và tiến lên”.


Bận rộn với khoa học là thế nhưng người phụ nữ này vẫn chu toàn với tổ ấm của mình. Thomas luôn theo sát chuyện học hành của con trai, được mẹ đặt tên theo chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo là Tejas, từ khi con học phổ thông cho đến nay khi con đã trở thành một sinh viên đại học. Suốt nhiều năm ròng, Thomas dành tới 16 tiếng mỗi ngày cho tên lửa và con trai. Bà thừa nhận: “Ở Ấn Độ vẫn còn nặng tư tưởng rằng chăm sóc gia đình là nhiệm vụ của người phụ nữ nên tôi cũng có đôi chút khó khăn, nhất là khi con còn nhỏ. Nhưng may mắn là tôi đã sắp xếp được thời gian, cân bằng công việc và gia đình cũng giống như 200 nữ đồng nghiệp của tôi ở DRDO”. Và “người phụ nữ tên lửa” cũng là “người phụ nữ của gia đình” với sở thích nấu những món ăn ngon cho con trai và chồng, một sĩ quan hải quân.


Thomas cho rằng, những thành công mà bà gặt hái được trong sự nghiệp khoa học của mình có phần đóng góp to lớn của chồng con và những người thân của bà. Sự cảm thông và hỗ trợ của người thân đã giúp “đứa con của lửa” có thể cháy hết mình cho niềm đam mê khoa học cũng như nền quốc phòng nước nhà.


A.M (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN