Sức sống mãnh liệt của “Biểu tượng hòa bình”

Đầu năm 1958, Ủy ban Hành động trực tiếp chống chiến tranh hạt nhân ở Anh lên kế hoạch cho một cuộc diễu hành từ London đến Aldermaston, nơi cất giữ và sản xuất vũ khí hạt nhân. Họ cần một biểu tượng dùng trong cuộc biểu tình. Nhà triết học Bertrand Russell, người sáng lập Phong trào Giải trừ vũ khí hạt nhân (CND) đã nhờ Gerald Holtom sáng tác biểu tượng cho CND nhằm thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và hòa giải của loài người.

 

Ngày 4/4/1958, biểu tượng ấy đã nằm trang trọng trên những tấm bảng lớn được đoàn người tuần hành đòi giải trừ vũ khí hạt nhân giơ cao tại quảng trường Trafalgar ở London, Anh. Nhiếp ảnh gia Larry Burroughs đã chụp lại khoảnh khắc ấy.

 

Biểu tượng hòa bình bất diệt.


Gerald Holtom là họa sĩ kiêm nhà thiết kế, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hoàng gia Anh. Ông cũng là một nhà hoạt động hòa bình, ủng hộ mạnh mẽ việc giải trừ hạt nhân. Gerald Holtom đã đưa ra bản phác họa biểu tượng: một vòng tròn với đường thẳng ở giữa và dấu mũ “^” - tượng trưng cho chữ N và chữ D trong ký hiệu semaphore (hệ thống ký hiệu dùng hai lá cờ để diễn đạt một chữ cái). Đây là ngôn ngữ ký hiệu đánh bằng cờ của Hải quân: người truyền tin chỉ một lá cờ lên trên và một lá cờ xuống dưới để biểu thị chữ “D” (Gerald Holtom thể hiện bằng một gạch dọc); còn hai tay chĩa chéo xuống dưới là biểu thị chữ “N” (Gerald Holtom thể hiện bằng dấu mũ “^”). Hai chữ “N” và “D” - theo ký hiệu quân sự này là hai chữ viết tắt của Nuclear Disarmament (giải trừ hạt nhân). Vòng tròn bên ngoài thể hiện hình trái đất tròn.

 

Biểu tượng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc biểu tình vì hòa bình.

 


Khoảng 10 ngày sau ngày 4/4/1958, bức ảnh xuất hiện trên tạp chí Life và nhanh chóng được toàn thế giới biết đến. Biểu tượng đã gần như lập tức vượt Đại Tây Dương đến Mỹ. Bayard Rustin, một người thân tín của mục sư Martin Luther King, đã bay từ Mỹ đến Anh để tham gia cuộc biểu tình ở London và đưa biểu tượng này về Mỹ. Nó bắt đầu xuất hiện rải rác trong các cuộc biểu tình đòi quyền công dân tại Mỹ, bảo vệ môi trường, chống Apartheid... nhưng chỉ đến cao trào phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra, nó mới thật sự được gắn với ý nghĩa "hòa bình" (lính Mỹ với tư tưởng phản chiến đã vẽ biểu tượng này lên mũ sắt).


Trong những năm 1960, tại Mỹ, hình ảnh vòng tròn với ba đường nhánh bên trong đã trở thành biểu tượng của một thế hệ.


Do cấu trúc đơn giản, dễ vẽ hơn hình chim bồ câu, biểu tượng này nhanh chóng xuất hiện trên những bức tường, trên bảng hiệu cầm tay của dòng người biểu tình, trên mũ những cựu binh Mỹ trở về từ Việt Nam. Nó đại diện cho sự phản kháng của những người chán ghét cuộc chiến mà chính quyền Mỹ đang tiến hành tại Việt Nam. Chính lúc này, ý nghĩa "hòa bình" chính thức gắn với biểu tượng này. Sau đó, nó tiếp tục xuất hiện trên những bức tường ở Prague năm 1968, trên bức tường Berlin, trên bia mộ của những nạn nhân các chế độ độc tài quân sự từ Hy Lạp đến Argentina, trong cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq tại Mỹ.

 

 

Biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại trường Đại học Kent, bang Ohio, Mỹ.


Richard Williams, một nhà tư vấn thiết kế, giải thích cho sự phổ biến trên: "Nó là một dấu hiệu mà tất cả chúng ta có thể nhớ và vẽ lại sau khi nhìn thấy một lần. Đó là lý do vì sao nó có thể lan truyền nhanh chóng như vậy, vì sao nhiều người dùng đến nó như vậy...".


Đã có nhiều diễn giải khác nhau về ý nghĩa của biểu tượng này. Một số người nhìn ra đó là dấu chân chim bồ câu. Nhiều người bóp méo sự thật cho nó là dấu hiệu của quỷ Satan hoặc gán cho nó những ý nghĩa chống Thiên Chúa giáo. Từng có lệnh cấm chính thức biểu tượng này tại Nam Phi dưới chế độ Apartheid. Nhưng với những người yêu công lý và lẽ phải, biểu tượng này chỉ có một ý nghĩa duy nhất: “Biểu tượng của hòa bình”.


Biểu tượng hòa bình đến nay vẫn có sức sống mãnh liệt. Nhà sử học Ken Kolsbun, tác giả quyển sách “Peace: The Biography of a symbol” (Lịch sử hình thành biểu tượng hòa bình) xuất bản ngày 1/4/2008, khẳng định: "Chừng nào còn bất công, bạo lực và chiến tranh, người ta vẫn còn cần đến biểu tượng hòa bình".


T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN