Sự trở lại của Đế chế Ba Tư?

Khi Iran và các cường quốc đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran, các nhà lãnh đạo và giới phân tích Arab lại lo ngại nước này đang tìm cách củng cố “đế chế Shiite” của mình trong khu vực.

 Những diễn biến gần đây cho thấy dường như Iran đang nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng trên một dải từ Iraq, tới Liban và từ Syria tới Yemen.

Nhân vật đứng đằng sau nỗ lực thiết lập “đế chế” Ba Tư mới trên vùng đất Arab được cho là Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lữ đoàn al-Quds, thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tinh nhuệ của Iran. Kể từ khi bước ra khỏi bóng tối hồi mùa thu năm ngoái, Tướng Soleimani xuất hiện dày đặc trên khắp các chiến trường ở Trung Đông. Vị tướng 60 tuổi này vốn vẫn là người “vô hình” cho tới khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng càn quét các thành phố miền Bắc và Trung Iraq hồi năm ngoái. Và nay, các bức hình của ông này đã xuất hiện ở khắp nơi.

Tướng Qassem Soleimani, nhân vật chủ chốt trong việc gây dựng ảnh hưởng của Iran ở khu vực.


Tướng Soleimani chính là người chỉ huy chiến dịch giành lại thành phố Tikrit, quê hương của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, từ tay IS. Tại Syria, khi em trai của tổng thống thiệt mạng, ông đã đại diện chính phủ Iran gửi lời chia buồn tới gia đình Tổng thống Bashar al-Assad. Ở Beirut, Liban, có những bức hình chụp ông xuất hiện trước ngôi mộ của Jihad Mughniyeh, cầu nguyện cho con trai của một chỉ huy của IRGC thiệt mạng tại Syria hồi tháng 1/2015.

Liên quan tới tình hình tại Yemen, các quốc gia vùng Vịnh đang cáo buộc IRGC chính là lực lượng đứng sau hậu thuẫn cho phiến quân Houthi dòng Shiite lật đổ chính quyền, buộc Tổng thống Hadi phải chạy sang Saudi Arabia - quốc gia kình địch cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực với Iran. Tuy nhiên, tới nay, các nước Arab vẫn chưa công bố được những bằng chứng về sự can dự của Iran tại Yemen.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi

Iran rất nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập và tháo gỡ các lệnh trừng phạt kinh tế đang đè nặng. Tuy nhiên, không vì thế mà Tehran lơ là trong việc tăng cường tầm ảnh hưởng trên khắp khu vực Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq và Syria, nơi các lực lượng tinh nhuệ của Iran và đồng minh đang căng mình chiến đấu chống lại nhóm khủng bố IS dòng Sunni.

Phiến quân Houthi tại Yemen, điểm nóng mới ở Trung Đông.


Trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Saudi Arabia Saud al-Faisal nhấn mạnh: “Tình hình tại Tikrit là một ví dụ điển hình cho những gì mà chúng ta lo lắng. Iran đang chiếm lấy Iraq”. Giới phân tích khu vực cho rằng các nước vùng Vịnh và đồng minh Sunni (như Ai Cập) không lo ngại về một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa P5+1 với Iran mà chính động thái xích lại gần Iran của Mỹ khiến các nước này quan tâm hơn.

Riad Kahwaji, người đứng đầu Inegma - tổ chức quy tụ các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng lên tiếng cảnh báo về một “cuộc chiến giáo phái toàn diện” giữa người Sunni và người Shiite. Vị chuyên gia này nói: “Các sự kiện tại Iraq, Syria và Yemen cho thấy phe Hồi giáo dòng Shiite đang tiến hành một cuộc tổng tiến công núp dưới bóng của một cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu chống chủ nghĩa khủng bố. Mục đích là nhằm giành được chiều sâu chiến lược tại các khu vực trên con đường dẫn ra Biển Đỏ và biển Địa Trung Hải”.

Ngọn lửa chiến tranh giáo phái

Cuộc ly giáo đẫm máu giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite đã có lịch sử từ 14 thế kỷ trước, ngay vào buổi “bình minh” khi Đạo Hồi hình thành và phát triển. Trong thế giới hiện đại ngày nay, cuộc đối đầu giáo phái này xoay quanh hai trục Chính thống giáo Wahhabi (Thanh giáo) của người Sunni tại Saudi Arabia và chế độ thần quyền dòng Shiite tại Iran. Nhưng chính việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã làm thay đổi cán cân nghiêng về phía có lợi cho Iran. Ngọn lửa chiến tranh giáo phái bùng phát một lần nữa khi cộng đồng Sunni thiểu số của cố Tổng thống Saddam bị lật đổ và thay thế bằng một chính phủ người Shiite đa số tại Iraq, được cho là chịu ảnh hưởng lớn từ Iran.

Để cân bằng lại, Saudi Arabia và đồng minh ra sức hậu thuẫn các lực lượng Sunni, trong đó có cả các phiến quân, nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Riyadh chính thức hậu thuẫn cho các nhóm chống đối chính để chống lại lực lượng người Shiite, nhưng tiền hỗ trợ của các quốc gia vùng Vịnh lại nhiều khi rơi vào túi của các nhóm thánh chiến cực đoan. Và đây được cho là cái cớ để người Shiite biện minh cho hoạt động can dự của mình vào các điểm nóng.

Vai trò của lực lượng vũ trang tinh nhuệ của Iran trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố Hồi giáo là không thể phủ nhận. Ở Iraq, sau khi IS trỗi dậy vào giữa năm 2014, Lữ đoàn al-Quds của IRGC đã liên minh với lực lượng người Shiite địa phương để bảo vệ Baghdad và sườn phía Nam. Sau đó, họ dần dần đẩy IS về phía các thành trì của chúng ở phương Bắc, như tại Tikrit. Tại Syria, lữ đoàn được thành lập từ năm 1980 này có nhiệm vụ thiết lập một mạng lưới các chiến binh trung thành với chế độ, bảo vệ quyền lợi của người Shiite và chống lại các phần tử cực đoan.

Như hãng thông tấn Rasa dẫn lời một nghị sĩ quốc hội Iran Ali Reza Zakani (nhân vật thân cận với Thủ lĩnh tối cao Khamenei) khẳng định “nếu Qassem Soleimani không xuất hiện ở Iraq, Baghdad sẽ sụp đổ và với Syria cũng vậy, nếu không có quyết tâm của Iran, nước này đã không thể đứng vững”. Ông này mô tả những gì đang diễn ra ở Yemen như một “sự lan truyền tự nhiên” của Cuộc cách mạng Hồi giáo và dự đoán 14 trong số 20 tỉnh của Yemen sẽ sớm nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân Houthi.

Vị nghị sĩ trên nhận định: “Cuộc cách mạng tại Yemen sẽ không chỉ giới hạn ở quốc gia này. Nó sẽ lan sang lãnh thổ của Saudi Arabia”, quốc gia có đường biên giới dài với Yemen và đặc biệt là sẽ đe dọa tỉnh Đông Saudi Arabia có đa số người Shiite sinh sống và cũng là nơi có các mỏ có trữ lượng dầu lớn nhất của vương quốc này.

Trong khi chính quyền Tổng thống Obama tìm cách trấn an các đồng minh Arab rằng Washington vẫn duy trì cam kết an ninh với họ, giới phân tích cho hay ưu tiên hàng đầu của Washington là ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân và chặn bước tiến của IS. “Ông Obama tin rằng việc đạt một thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể là một di sản quan trọng của chính sách ngoại giao. Người Mỹ không tìm kiếm thỏa thuận với Iran để ngăn chặn ảnh hưởng của nước này trong khu vực”, Fawaz Gerges, chuyên gia thuộc Đại học kinh tế London nói. Do vậy, những gì đã và đang xảy ra ở khu vực Trung Đông cho thấy Iran đang nắm trong tay những con bài rất quan trọng và để giải quyết những cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực, không thể phớt lờ tiếng nói từ Tehran.

Thái Nguyễn (Theo Reuters)

'Đế chế lừa dối' và cuộc chiến hủy hoại nước Nga
'Đế chế lừa dối' và cuộc chiến hủy hoại nước Nga

Cứu Mỹ chỉ có thể bằng cách sử dụng chiến tranh làm suy yếu các quốc gia hàng đầu trên thế giới để nhận được đơn hàng từ các nước tham chiến. Với Nga, cuộc tấn công của đồng USD có mục đích chính là hủy hoại nước Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN