Sự thật về cuộc sống ái tình của Nữ hoàng Katharina

Nữ hoàng Katharina đã từng trị vì nước Nga trên 3 thập kỷ (từ 1762-1796) và đã đạt được nhiều thành tựu trên những lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhưng cho tới ngày nay, dường như người ta bất công với bà, khi hầu như chỉ nói về những khao khát dục vọng, lối sống trụy lạc được cho là vô bờ bến của bà. Điều này xem chừng mang tính chất chính trị hơn là thực tế.


Biếm họa của Pháp về Nữ hoàng Katharina năm 1792.


Vào năm Nữ hoàng 63 tuổi, khi người ta cho bà xem một tờ truyền đơn từ Pari, trong đó nói tới "sự trụy lạc vô độ trong nhà hầm của Cung điện Mùa Đông", Nữ hoàng Katharina phá lên cười và khẳng định: "Tôi chưa bao giờ xuống dưới nhà hầm của Cung điện". Bà hài hước: "Nếu như biết trước được thì không chừng vui thú biết mấy!?". Trên thực tế, Nữ hoàng đã ban hành những quy định rất chặt chẽ đối với khách khứa trong những cuộc gặp gỡ riêng tư, mà nếu so sánh với những quy tắc ứng xử hiện nay thì có lẽ phải gọi là vô cùng khắt khe.

 

Nữ hoàng Katharina, con gái của một vị tướng Phổ, là người đã trị vì nước Nga rộng lớn thành công trong suốt 34 năm, nhưng ngày nay bị mang tai, mang tiếng là một cỗ máy tình dục không biết thoả mãn. Trong khi, mọi việc thực ra bắt đầu rất vô hại. Sau 8 năm bị đọa đày trong cuộc hôn nhân bất hạnh bên cạnh Piotr, người nối dõi Ngai vàng Nga, nhưng có lẽ bị bệnh liệt dương, bà đã có tình nhân đầu tiên và có một đứa con, nhưng ông ta nhanh chóng bị đưa đi đày.

 

Trong 24 năm sau đó (1752 tới 1776), Katharina duy trì quan hệ với 2 người đàn ông: Grigori Orlow và Grigori Potjomkin. Orlow bị gạt ra rìa, sau khi liên tục thúc ép Nữ hoàng phải cưới ông ta. Potjomkin còn lại là mối tình lớn trong cuộc đời của bà, cũng vì ông ta rất thông minh. Ông luôn sát cánh bên bà với tư cách tình nhân cho tới năm 1776 và với tư cách chính khách tới khi qua đời năm 1791.

 

Bác sĩ riêng kiểm tra gì ở tình nhân tiềm năng?

 

Khi 47 tuổi, Katharina bắt đầu quan tâm tới các nam sủng thần. Mùa hè năm 1776, Pjotr Sawadowski, một người Ucraina điển trai, quyến rũ được chọn là người mở đầu. Như những người khác, ông phải trải qua những thủ tục để bác sĩ riêng của Katharina khám bệnh, một thủ tục đã gây ra nhiều lời đồn đại vô lý. Họ cho rằng bác sĩ riêng của Nữ hoàng phải kiểm tra khả năng tình dục hay kích thước bộ phận sinh dục của tình nhân tiềm năng. Nhưng trên thực tế, bác sĩ chỉ khám xem họ có bị mắc bệnh hoa liễu hay những căn bệnh có khả năng lây nhiễm khác không. Rõ ràng đây là những biện pháp cần thiết và có ý nghĩa.

 

Sau đó, Potjomkin sẽ phỏng vấn, kiểm tra ứng viên xem trí tuệ, tư tưởng, cách ứng xử cũng như tính cách của anh ta như thế nào. Do những người được lựa chọn hầu hết là các sĩ quan cận vệ trẻ, chưa được gọt giũa, nên nữ bá tước Praskowja Bruce phải đảm nhận việc hướng dẫn cho các chàng trai trẻ cách ứng xử cho đúng lễ nghi, quy tắc của Cung đình để họ khỏi thất thố bên cạnh Nữ hoàng. Vì vậy, nhiều người coi đấy là cớ để gán cho nữ bá tước chức danh "Người thử trước". Họ cho rằng bà ta phải "thử" trước hai lần với mỗi tình nhân của Nữ hoàng để "kiểm tra" khả năng tình dục của anh ta và báo cáo chi tiết cho Nữ hoàng được biết.

 

Nữ hoàng từng có bao nhiêu tình nhân?

 

Vì cuộc đời của Katharina được ghi chép lại cẩn thận trong hàng ngàn bức thư, báo cáo của nhân chứng và hồ sơ, nên người ta có thể ghi nhận trong vòng 44 năm, Nữ hoàng đã có tổng cộng 18 nhân tình, một con số có thể bao quát được. Trong đó, nổi bật lên là Alexander Lanskoi. Tháng 10/1779, Nữ hoàng Katharina đã chọn chàng trai khi đó 29 tuổi làm sủng thần của mình. Đó là một chàng trai trẻ có năng khiếu, tinh tế, vui vẻ thân thiện và không hề kiêu căng, ngạo mạn. Mối quan tâm về tư tưởng của Nữ hoàng đã được chàng sôi nổi hưởng ứng. Chàng nhiệt tình tìm kiếm trong kho hồ sơ lưu trữ của tu viện để giúp Katharina soạn thảo một công trình về lịch sử nước Nga. Năm 1784, Lanskoi không may bị chết vì bệnh bạch hầu. Sau đó, Katharina đâm ra chán ghét đàn ông trong nhiều tháng liền, nhưng rồi lại chứng nào tật ấy.

 

Vào thời đại của Nữ hoàng Katharina, mọi nam vương hầu đều có rất nhiều thê thiếp hoặc nhân tình. Nhưng tại sao lại có những lời đồn thổi ngoa ngoắt về cuộc sống tình dục trác táng của Katharina? Có lẽ vì Katharina là một kẻ thù không đội trời chung của cuộc Cách mạng Pháp thời kỳ đó. Vì vậy, người Pháp đã vẽ tranh biếm họa và dùng lời lẽ mô tả Nữ hoàng Katharina của nước Nga như một người hoang dâm vô độ, có khi bắt cả một đại đội quân nhân thỏa mãn tình dục của mình. Cuốn sách nhỏ với tranh biếm họa này được truyền bá khắp châu Âu và đã có tác dụng.

 

Bất chấp thực tế ra sao, cho tới ngày nay, người ta vẫn mổ sẻ, thêu dệt những câu chuyện chăn gối, thực ra là vô hại của Nữ hoàng Katharina. Truyền hình Đức mới đây cũng làm ầm ĩ lên về những đồ gỗ và tranh ảnh khiêu dâm mà quân đội phát xít Đức tìm thấy năm 1941 ở lâu đài Gatschina, cách Leningrad 40 km, mà họ cho là của Katharina và cho rằng điều đó chứng tỏ lối sống trác táng của bà. Nhưng không kể là chỉ còn một số bức ảnh đen trắng của những đồ vật này, cũng như lâu đài Gatschina thuộc về Grigori Orlow chứ không phải Katharina, dựa trên phong cách và trang trí những đồ gỗ này, người ta phải xếp chúng vào những loại đồ vật được chế tác vào cuối thế kỷ 19 hơn là vào thế kỷ 18 là thời kỳ của Nữ hoàng Katharina.

 

VL (Theo báo Thế giới, Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN