Sa hoàng Alexander III và những quả trứng Phục sinh - Kỳ 1

Lễ Phục sinh là lễ quan trọng nhất trong lịch Chính thống giáo Nga và trứng thường là món quà tặng phổ biến. Như thường lệ, năm 1885, Sa hoàng Alexander III đã ra lệnh cho thợ kim hoàn chế tác một quả trứng Phục sinh làm đồ trang trí cho vợ là Hoàng hậu Marie Feodorovna. Nhưng quả trứng năm 1885 này sẽ khác lạ vì Sa hoàng đặt một thợ kim hoàn mới toanh làm trứng.

KỲ CÔNG CHẾ TÁC

Đó là ông Carl Faberge 38 tuổi. Ông Faberge không giống với các thợ kim hoàn khác từng quen phục vụ Hoàng gia. Ông quan tâm tới tạo ra các mẫu thiết kế thông minh, độc đáo, ghi đậm dấu ấn sáng tạo của mình hơn là quan tâm tới các vật liệu như đá quý, vàng. Ông từng tuyên bố: “Những thứ đắt tiền không làm tôi quan tâm nhiều nếu giá trị của món đồ chỉ được tính bằng giá trị ngọc trai và kim cương”.

Trong thực tế, quả trứng Phục sinh hoàng gia đầu tiên rất đơn giản, nhưng sự đơn giản chỉ thể hiện trên bề ngoài. Quả trứng đó ngày nay được gọi là Hen Egg (Trứng gà), được chế tác từ năm 1885, dài 6 cm, làm bằng vàng và được tráng một lớp men trắng trơn trên vỏ để trông giống một quả trứng gà bình thường. Điều khiến người ta ngạc nhiên là những thứ mà họ sẽ nhìn thấy khi tách hai nửa quả trứng ra. Bên trong sẽ là lòng đỏ mà khi mở lòng đỏ ra, người xem sẽ bất ngờ khi nhìn thấy một con gà mái vàng nằm trong ổ rơm vàng. Con gà được gắn lông đuôi và có thể mở ra. Bên trong con gà lại có một chiếc vương miện bằng vàng bé xíu. Đi kèm với vương miện là một mặt dây chuyền ruby bé xinh mà Hoàng hậu Marie Feodorovna có thể đeo vào cổ cùng với sợi dây chuyền vàng kèm theo quả trứng.

Quả trứng Phục sinh năm 1885.

Hoàng hậu thích mê quả trứng Phục sinh và từ đó trở đi, Sa hoàng Alexander III chỉ đặt ông Faberge làm trứng Phục sinh cho Hoàng hậu. Sa hoàng cho ông Faberge tự do thiết kế trứng và chỉ đặt ra ba yêu cầu: Trứng Phục sinh phải có hình dạng quả trứng, trứng phải chứa đựng điều bất ngờ và thiết kế không được lặp lại. Ngoài ba yêu cầu này, ông Faberge có thể thoải mái sáng tạo. Ông Faberge cũng có yêu cầu là sẽ không tiết lộ cho Sa hoàng bất kỳ điều gì về quả trứng cho đến khi giao hàng vài ngày trước lễ Phục sinh và đảm bảo Sa hoàng sẽ hài lòng. 

Không có nhiều thông tin về quả trứng Phục sinh thứ hai (Gà mái và mặt dây chuyền sapphire -Hen and sapphire pendant) mà ông Faberge làm năm 1886. Quả trứng này biến mất năm 1922. Về quả trứng thứ ba, năm 1887, ông Faberge đã chế tác một quả trứng vàng không to hơn quả trứng gà thật là mấy. Quả trứng được đặt trên một cái đế mà trụ là ba bàn chân móng vuốt sư tử. Khi ấn vào viên kim cương mặt trước quả trứng, nắp quả trứng sẽ bật mở. Bên trong là một chiếc mặt đồng hồ đeo tay dành cho phụ nữ. Chiếc đồng hồ được gắn vào cạnh và có thể được dựng thẳng lên để làm đồng hồ để bàn.

Trứng Phục sinh “Cung điện Đan Mạch”.

Trong những năm sau đó, các quả trứng Phục sinh được sản xuất trong xưởng của ông Faberge ngày càng to hơn và tinh vi hơn. Nhóm thợ kim hoàn của ông Faberge phải làm việc trong cả năm, thậm chí lâu hơn mới làm xong các quả trứng. 

Quả trứng Cung điện Đan Mạch (Danish Palaces) năm 1890 đựng một tấm bình phong gấp gồm 10 bức họa mini vẽ các cung điện và du thuyền hoàng gia mà Hoàng hậu Marie Feodorovna vốn là một công chúa Đan Mạch còn nhớ từ ký ức thời bé. 

Quả trứng năm 1891 mang tên Ký ức Azov (Memory of Azov) chứa một mô hình bằng bạch kim và vàng của con tàu Hải quân Hoàng gia cùng tên. Con tàu này đã đưa Sa hoàng tương lai Nicholas II và anh trai đi chu du Viễn Đông năm 1890. Quả trứng được tạc từ huyết thạch (đá xanh có các vệt đỏ). Mô hình bên trong là bản sao chính xác của tàu Memory of Azov. Nó nổi trên mặt biển làm bằng ngọc xanh biển. Con tàu này được chế tác giống nguyên mẫu từ các chi tiết như lỗ đặt nòng súng đại bác cho tới sợi xích mỏ neo.

Sa hoàng Alexander III và Hoàng hậu Marie Feodorovna.

Khi Sa hoàng Alexander III chết năm 1894 ở tuổi 49, ông Faberge đã có ngay khách hàng “hạng VIP” mới đó là con trai của ông, Nicholas II -người lên ngai vàng tháng 11/1894. Sa hoàng Nicholas II thậm chí còn đặt hai quả trứng mỗi năm, một cho mẹ, một cho vợ là Hoàng hậu Alexandra. Năm nào ông cũng mua trứng Phục sinh của ông Faberge trừ hai năm 1904 và 1905 -khi chiến tranh Nga - Nhật nổ ra.

Sau đó, dù là khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra năm 1914, Sa hoàng Nicholas II vẫn tiếp tục mua trứng Phục sinh, mặc dù lúc đó, thiết kế đơn giản hơn. Cả hai quả trứng được chế tác năm 1915 đều cùng chủ đề Chữ thập đỏ. Sa hoàng Nicholas II mua hai quả mỗi năm cho đến khi ông buộc phải thoái vị trong Cách mạng Nga năm 1917. Tới thời điểm đó, xưởng của ông Faberge đã chế tác 50 quả trứng Phục sinh cho hai sa hoàng, cộng thêm 15 quả nữa cho các khách hàng giàu có.

Đón đọc kỳ cuối: Hành trình lưu lạc
Thùy Dương
Vẽ trứng Phục Sinh tại khách sạn JW Marriott Hanoi
Vẽ trứng Phục Sinh tại khách sạn JW Marriott Hanoi

5 quầy bếp mở, giới thiệu đặc trưng ẩm thực của 5 quốc gia khác nhau, đưa tới cho du khách rất nhiều sự lựa chọn với hải sản, tôm hùm nướng, gan ngỗng Mỹ, thịt bò Australia, sushi Nhật Bản, sườn nướng Hàn Quốc và nhiều món ngon khác

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN