Những vụ rò rỉ thông tin nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ

Trong thời gian vừa qua, hàng trăm nghìn tài liệu mật của chính phủ Mỹ liên quan tới các cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan, cũng như các bức điện ngoại giao được gửi về từ các sứ quán Mỹ ở nước ngoài đã bị trang mạng Wikileaks tiết lộ, gây xôn xao dư luận quốc tế. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ những thông tin mật bị rò rỉ và thậm chí có những trường hợp, các thông tin tiết lộ còn làm tiêu tan sự nghiệp của một số chính khách và gây ra biết bao sóng gió cho chính phủ. Dưới đây là những vụ rò rỉ thông tin nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hoạt động nghe trộm trong vụ Watergate. Ảnh: internet

Những lá thư của Hutchinson

Một trong những vụ rò rỉ thông tin xảy ra sớm nhất trong lịch sử nước Mỹ đã châm ngòi cho những căng thẳng giữa Anh và Mỹ- khi đó vẫn là thuộc địa của Anh. Tháng 12/1772, Benjamin Franklin-lúc đó đang sống ở Anh với tư cách là đại diện cho thuộc địa-đã nhận được một gói bưu kiện gồm 13 lá thư đề tên người gửi là Thomas Hutchinson, toàn quyền của Hoàng gia Anh ở Massachusetts, đồng thời là một nhân vật nổi tiếng trung thành với nước Anh. Trong những bức thư này, Hutchinson đã chỉ trích những người đứng đầu các thuộc địa và đề xuất sự hiện diện quân sự lớn hơn của Anh ở Boston, nơi mà những mầm mống nổi loạn đã bắt đầu bám rễ sau khi xuất hiện Đạo luật về tem thư mà không được người dân đồng tình và những điều luật gây nhiều tranh cãi khác do Quốc hội Anh ban hành. Franklin đã chia sẻ những lá thư này với những người bạn có tư tưởng cấp tiến đang sinh sống ở các thuộc địa. Không may cho ông, những lá thư này đã bị một trong những đối thủ chính trị của Hutchinson tiết lộ cho công chúng.

Lời thú nhận của Benjamin Franklin trong việc để lộ các lá thư của Hutchinson được đăng tải trên tờ Boston Gazette vào ngày 7/3/1774.

Việc Franklin chia sẻ các lá thư là nhằm mục đích giảm thiểu tâm lý chống Anh thông qua việc chỉ ra rằng chính Hutchinson - chứ không phải Quốc hội Anh - là người phải chịu trách nhiệm cho vụ đàn áp ở Boston. Bất chấp lời đề nghị giữ kín những lá thư này của ông, các bức thư đã được đăng tải trên tờ Boston Gazette trong tháng 6/1773. Bị những người dân ở thuộc địa nguyền rủa, cuối cùng Hutchinson đã chạy trốn sang nước Anh, trong khi đó Franklin bị công khai chỉ trích vì tội làm rò rỉ thông tin và bị đẩy trở lại nước Mỹ, nơi mà sau này ông đã góp công soạn thảo Bản tuyên ngôn độc lập và tham gia vào thành lập một quốc gia mới.

Những tài liệu của Lầu Năm Góc ra ánh sáng

Vụ rò rỉ thông tin nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ bị đưa ra ánh sáng vào tháng 6/1971, khi tờ Thời báo New York bắt đầu cho đăng tải các phần của báo cáo "Những tài liệu của Lầu Năm Góc", một báo cáo tối mật của Bộ Quốc phòng về sự dính dáng của Mỹ đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1967.

Một nghiên cứu dày 47 chương cho thấy chính phủ Mỹ đã lừa dối công chúng và Quốc hội một cách có hệ thống, cung cấp những thông tin sai lệch về quy mô, mục tiêu và diễn tiến của cuộc chiến tranh ở Việt Nam- cuộc chiến tranh ngày càng bị dư luận Mỹ và quốc tế phản đối mạnh mẽ. Sở dĩ tờ báo này có được các tài liệu là do Daniel Ellsberg, một cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng, cung cấp. Do căm ghét cuộc chiến tranh bẩn thỉu này nên ông quay sang ủng hộ phong trào phản chiến và bí mật mang các tài liệu này ra khỏi Lầu Năm Góc (Mục "Hồ sơ tư liệu" của báo Tin Tức đã có dịp đăng tải).

Việc tờ báo công bố các tài liệu đã gây ra sự căm phẫn của người dân Mỹ đối với nhà cầm quyền Mỹ, khiến càng có nhiều người tham gia phong trào phản chiến và niềm tin của dân chúng Mỹ vào chính sách đối ngoại của chính phủ trong thời kỳ chiến tranh lạnh bị giảm sút trầm trọng. Nó cũng dẫn tới một cuộc chiến pháp lý về quyền tự do của báo chí trong việc tiết lộ các thông tin mật và quyền của dân chúng được biết về các hoạt động của chính phủ.

Tổng thống Richard Nixon đã cố gắng ngăn chặn việc tòa soạn phát hành số báo tiết lộ các thông tin bí mật này nhưng không thành vì Tòa án tối cao đã từ chối đưa ra lệnh cấm xuất bản số báo đó. 

Vụ Watergate khiến Nixon phải từ chức

Richard Nixon trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên phải từ chức. Ảnh: internet

Vụ xìcăngđan rò rỉ thông tin lớn thứ hai khiến chiếc ghế của Tổng thống Richard Nixon bị lung lay diễn ra vào ngày 17/6/1972, khi 5 người bị bắt giữ vì tội đã đột nhập và tiến hành đặt thiết bị nghe lén ở trụ sở của Ủy ban quốc gia dân chủ của Đảng Dân chủ lúc này đang được đặt trong tổ hợp khách sạn Watergate ở thủ đô Oasinhtơn.

Cuộc điều tra được tiến hành sau đó đã hé lộ các mối quan hệ giữa những người bị bắt giữ này với Ủy ban tranh cử của Tổng thống, một quỹ quyên tiền cho các chiến dịch tranh cử của Nixon vào năm 1972. Chính quyền của Tổng thống Nixon phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào tới những người này. Tuy nhiên, cuối năm đó, dựa vào các thông tin do một nhân vật bí mật cung cấp, các phóng viên Carl Bernstein và Bob Woodward của tờ Bưu điện Oasinhtơn đã phát hiện ra một loạt các âm mưu xung quanh sự cố này nhằm mục đích che giấu sự thật.

Năm 1974, sau một loạt những chứng cứ thuyết phục chứng minh hoạt động nghe lén Thượng viện của Nixon, vị Tổng thống này đã trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức.  

Đình Vũ (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN