Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất (Tiếp theo và hết)

Pantsir-S của Nga


Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S do Viện nghiên cứu thiết bị kỹ thuật KBP Tula của Nga nghiên cứu, chế tạo. Đây là tổ hợp phòng không tầm ngắn được đặt trên xe cơ động, tích hợp pháo và tên lửa phòng không.

 

 


Mỗi tổ hợp Pantsir-S bao gồm các bộ phận cấu thành chủ yếu: Hệ thống cảm biến quang học - điện tử và hệ thống điều khiển hỏa lực; 2 bệ pháo phòng không tự động 30 mm 2A72 tầm bắn 5 km và 12 ống phóng tên lửa đối không 57E6-1, có thể phóng đồng loạt hoặc lần lượt 12 quả.


Loại tên lửa phòng không này có vận tốc 1.300m/s, tầm bắn 20 km, trần bắn tối đa 15 km. Tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến, cùng lúc có thể theo dõi và ngắm bắn đồng thời nhiều mục tiêu. Mỗi tổ hợp Pantsir-S còn có 2 loạt tên lửa dự trữ, ngoài ra còn có thể sử dụng xe vận tải tên lửa đi kèm các tổ hợp.


Hệ thống Pantsir-S được triển khai trên khung gầm xe tác chiến kiểu bánh lốp, còn phiên bản xuất khẩu của nó là Pantsir-S1 có thể được lắp đặt trên khung gầm xe bánh xích. Hệ thống có khả năng tự hành rất cao, khả năng tích hợp các hệ thống trên một khung gầm đã nâng cao rất mạnh khả năng cơ động, tính năng việt dã, dễ triển khai, thu hồi và thao tác.


Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định trong vài năm tới sẽ trang bị 100 tổ hợp Pantsir-S cho lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ (ASD) của nước này. Pantsir-S1 cũng đã được bán cho Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Syria và Algeria.


Arrow của Israel và Mỹ


Hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow do Tập đoàn hàng không vũ trụ Israel và hãng Boeing của Mỹ hợp tác sản xuất. Dự án Arrow ra đời vào năm 1986 và hiện nay chi phí phát triển được đồng minh thân cận của Israel là Mỹ tài trợ 50%. Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật, đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa ở độ cao lên tới 100 km.

 


Arrow đang được thiết kế với 3 cấu hình khác nhau, trong đó Arrow I được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật trong phạm vi 50 km. Biến thể Arrow II được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa đạn đạo tầm trung trong phạm vi 100 km. Arrow III được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).


Sức mạnh của hệ thống đánh chặn Arrow là rađa cảnh báo sớm EL/M-2080 AESA “Green Pine” Elta EL/M-2080. Đây là một loại rađa quét mạng pha điện tử chủ động hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Rađa này có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng golf ở khoảng cách 500 km. Hệ thống kiểm soát chiến đấu Tree Citron giúp cho Arrow có thể kiểm soát việc đánh cùng lúc 14 mục tiêu khác nhau. Thành phần thứ 3 của hệ thống là trung tâm kiểm soát khởi động Brown Hazelnut, được trang bị hệ thống liên lạc vô tuyến cùng hệ thống liên kết dữ liệu tốc độ cao với trung tâm điều khiển và rađa. Thiết kế này cho phép thiết lập một khu vực phòng thủ tên lửa trên quy mô lớn mà không cần phải đầu tư quá nhiều những hệ thống điều khiển riêng biệt.


Bệ phóng tên lửa đánh chặn Arrow được đặt trên khung gầm xe kéo chuyên dụng, mỗi bệ phóng được trang bị 6 tên lửa đánh chặn. Bộ Quốc phòng Israel cho biết, Arrow được thiết kế để bảo vệ Israel khỏi các tên lửa tầm xa mà Iran có thể sử dụng để tấn công nước này.


MEADS của Mỹ, Đức và Italy


Hệ thống tên lửa phòng không MEADS do các Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cùng tập đoàn MBDA của Đức và Italy hợp tác phát triển. Dự án chính thức được khởi động từ năm 2005 với tổng giá trị 19 tỷ USD. Dự kiến MEADS sẽ bổ sung và thay thế dần các hệ thống tên lửa đối không Patriot PAC-2/3 của Mỹ, hệ thống phòng không Nice Hercules của Italy, hệ thống phòng không Hawk của Đức.

 


MEADS cung cấp khả năng tác chiến vượt ra ngoài bầu khí quyển. Kết hợp các hệ thống rađa, thông tin liên lạc đa quốc gia tạo nên một mạng lưới phòng không trên diện rộng, giúp các quốc gia trong chương trình đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ trên không như tên lửa chiến dịch - chiến thuật và tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của đối phương.


Cấu hình của hệ thống MEADS bao gồm xe phóng cơ động, trung tâm chỉ huy và kiểm soát hỏa lực thông minh BMC4I TOC, với cấu trúc kiểu trung tâm kết nối mạng dạng mở, cho phép kết nối nhiều hệ thống cảm biến khác nhau để tạo thành một hệ thống thống nhất. BMC4I TOC hoạt động theo nguyên tắc “kết nối và chiến đấu” với các rađa tìm kiếm mục tiêu đường biển, rađa tìm kiếm mục tiêu đường không, rađa điều khiển hỏa lực đa chức năng MFCR.


MEADS có khả năng phòng thủ trên một diện tích rất rộng lớn mà không cần sử dụng nhiều nhân sự và trang thiết bị phòng không, trong khi vẫn đảm bảo và duy trì năng lực tác chiến.


Boeing YAL -1 của Mỹ


YAL-1 là loại vũ khí lade năng lượng cao hay còn được gọi là hệ thống vũ khí lade đường không. YAL-1 do Tập đoàn Boeing của Mỹ nghiên cứu và chế tạo với tư cách là nhà thầu chính.


Việc phát minh và chế tạo YAL-1 nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình hiện đại hóa các hệ thống vũ khí của quân đội Mỹ trong thế kỷ 21. Sự ra đời của YAL-1 đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành khoa học quân sự tiên tiến, có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách nhanh chóng và có độ chính xác gần như tuyệt đối. YAL-1 sẵn sàng bám theo tên lửa của đối phương và phá hủy chúng ngay trên không. Với khả năng này, Mỹ có thể tiết kiệm một khoản ngân sách cực lớn, thay vì phải mua sắm hàng loạt các tên lửa đánh chặn.


YAL-1 có khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến thuật ngay sau khi chúng rời bệ phóng. YAL-1 phóng ra một luồng ánh sáng có năng lượng cao (lade) chiếu vào tên lửa đang bay trên không trung, tia sáng này sẽ đốt nóng tên lửa và khiến tên lửa phát nổ trước khi chúng lao vào mục tiêu. Toàn bộ quá trình tiêu diệt một tên lửa chỉ mất khoảng từ 10 - 12 giây. YAL-1 sử dụng nhiên liệu hóa học để tạo ra tia lade năng lượng cao. Mỗi máy bay Boeing 747-400F có thể mang đủ nhiên liệu phục vụ cho 20 phát bắn năng lượng cao hoặc 40 phát bắn năng lượng thấp chống lại các tên lửa đạn đạo chiến thuật.


YAL-1 được đánh giá là loại vũ khí lade năng lượng cao có khả năng tấn công vào một mục tiêu một cách nhanh chóng, chính xác, mạnh mẽ, tiết kiệm và hạn chế sự tiếp xúc của con người.


C.T(Theo Realitypod)

Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất
Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất

S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới được thiết kế để thay thế các loại S-200, S-300V, S-300PMU1 và S-300PMU2. Được giới thiệu từ năm 1999, S-400 ngay lập tức đã trở thành vũ khí chủ lực canh giữ bầu trời của Nga với tính năng độc nhất vô nhị trên thế giới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN