Năm 1985, khi cuộc chạy đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh nóng dần lên, Không quân Mỹ đã nảy ra kế hoạch mạo hiểm nói trên. Dự án A119 này có sự tham gia của những nhà khoa học hàng đầu Mỹ.
Tại sao Mỹ lại muốn ném bom Mặt trăng?
Nguyên nhân là do Sputnik – vệ tinh nhỏ bé mà Liên Xô đã phóng vào vũ trụ ngày 4/10/1957. Sự kiện đã khiến người dân và giới chức Mỹ rơi vào tình trạng báo động cao. Trong bối cảnh hai cường quốc Chiến tranh Lạnh tìm cách thống trị thế giới thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2, với người Mỹ, việc Liên Xô giành lợi thế về công nghiệp-quân sự là điều khó chấp nhận.
Vì thế, Mỹ cần giành thế chủ động và chứng minh với thế giới rằng nước này không thua trong cuộc chạy đua vũ trụ ngay cả khi cuộc đua này chưa bắt đầu. Người Mỹ cần một dấu hiệu đảm bảo rằng Liên Xô không ở thế trên và sau Sputnik, Liên Xô sẽ không thể trút mưa tên lửa xuống đất Mỹ.
Mỹ cần cho thế giới thấy sức mạnh trong cuộc chạy đua và cần làm một cái gì đó to tát – như kiểu đánh bom hạt nhân trên Mặt Trăng. Mỹ không quan tâm dự án đánh bom Mặt Trăng, không hề có mục đích thực tiễn, không phục vụ an ninh quốc gia mà chỉ muốn cho thế giới thấy Mỹ có thể làm điều gì đó đặc biệt tham vọng.
Trong những năm ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Tiến sĩ Leonard Reiffel rất hài lòng với công việc thú vị và lương cao bên cạnh huyền thoại vật lý Enrico Fermi tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Đại học Chicago. Nhưng năm 1949, ông được trao cơ hội quản lý toàn bộ mảng nghiên cứu vật lý hàng đầu tại một viện khác cũng tại Chicago, đó là Tổ chức Nghiên cứu Thiết giáp (nay là Viện Công nghệ Illinois). Từ năm đó tới năm 1962, Reiffel và nhóm của mình liên tục đạt được các kết quả nghiên cứu mang tính đột phá trong lĩnh vực vật lý với các dự án nghiên cứu tác động môi trường toàn cầu của các vụ nổ hạt nhân.
Trong khoảng thời gian trước tháng 5/1958, Không quân Mỹ đã đề nghị nhóm Tổ chức Nghiên cứu Thiết giáp điều tra một điều thực sự bất thường: tầm nhìn và ảnh hưởng của các vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng. Không quân Mỹ muốn người Liên Xô và cả thế giới ngạc nhiên bằng khả năng xóa sổ Mặt Trăng.
Reiffel biết ông không có kinh nghiệm sẵn có cần thiết để thực hiện kiểu nghiên cứu này. Để hỗ trợ nhóm nghiên cứu của mình, ông đã nhờ tới Gerald Kuiper, chuyên gia vật lý hành tinh – người có tên được đặt cho Vành đai Kuiper. Vành đai này là một khu vực hình đĩa ngoài Hải Tinh vương chứa hàng trăm nghìn vật thể băng và cả nghìn tỷ sao chổi.
Để xây dựng nhóm, Kuiper đề nghị Reiffel mời cả một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp Đại học Chicago: Carl Sagan. Vai trò của Sagan trong dự án này là làm toán. Vai trò của Sagan quan trọng vì cần phải làm mô hình chính xác đám mây bụi do vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng tạo ra. Họ cần phải biết Mặt Trăng sẽ phản ứng với vụ nổ ra sao và vụ nổ có thể nhìn thấy từ Trái Đất hay không. Với Mỹ, điều này quan trọng vì đó là mục đích chính của màn trình diễn lớn này.
Tại sao các nhà khoa học tham gia dự án?
Sự tham gia của Gerald Kuiper khiến người ta đặt ra mấy câu hỏi quan trọng: Tại sao các nhà khoa học tự trọng lại đồng ý với một dự án kích nổ vũ khí hạt nhân trên Mặt Trăng? Dự án này có hiệu quả ngay từ đầu không? Một vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng trông sẽ thế nào?
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần hiểu quan điểm của các nhà khoa học Mỹ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Đây là thời điểm mà nền khoa học Mỹ gắn bó chặt chẽ với chính sách Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Thời đó, nhà phát triển bom nguyên tử Robert Oppenheimer bị phản đối công khai vì đã bác bỏ công trình nghiên cứu nguyên tử của chính mình và phản đối Mỹ chế tạo bom nhiệt hạch.
Tuy nhiên, không phải sợ có chung số phận như Oppenheimer mà các nhà vật lý, nhà hóa học, nhà sinh học và nhà vật lý thiên văn cũng như những người khác làm việc trong phòng thí nghiệm đại học, cơ quan tư nhân hoặc các viện chính phủ nghiên cứu hàng không vũ trụ và quốc phòng. Nhiều nhà khoa học rất yêu nước và họ có năng lực cần thiết cho an ninh quốc gia và có thể là an ninh toàn cầu.
Dù vậy, kể cả với những nhà khoa học yêu nước nhất thì dự án đánh bom Mặt Trăng chỉ để đánh bóng sức mạnh dường như cũng vượt quá giới hạn mà họ có thể chấp nhận.
Nhiều người tham gia Dự án A119 giải thích họ tham gia vì việc kích hoạt vũ khí hạt nhân trên Mặt Trăng có thể mang lại một khám phá khoa học quan trọng nào đó. Họ đang sống ở thời đại háo hức muốn khám phá những mặt trận khoa học mới.
Về phần Carl Sagan, người sau này dành cả đời để tìm kiếm bằng chứng sự sống trên các thế giới khác, cho rằng tham gia dự án sẽ là cách tuyệt vời để thử và xác định sự hiện diện của vi khuẩn hoặc phân tử hữu cơ trên Mặt Trăng. Các nhà khoa học khác thì hình dung ra viễn cảnh thực hiện thí nghiệm về chất hóa học trên Mặt Trăng hoặc tính dẫn nhiệt trên bề mặt Mặt Trăng.
Nhóm của ông Reiffel cũng muốn biết liệu một vụ nổ hạt nhân có tạo ra hoạt động địa chấn đủ để đánh giá sự hình thành kết cấu lớp ngay dưới bề mặt Mặt Trăng hay không.
Hiện chưa rõ nếu được thực hiện thời đó thì dự án có thành công không vì nhiều thông tin kỹ thuật về công nghệ tên lửa đạn đạo của Mỹ thời đó hiện vẫn bị coi là thông tin mật. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau này, Reiffel cho rằng Mỹ có khả năng đánh trúng mục tiêu trên Mặt trăng với độ chính xác trong vòng 3,2km. Độ chính xác này là tương đối tốt khi Mặt Trăng có đường kính 3.474km.
Vậy đám mây hình nấm trên Mặt Trăng trông sẽ như thế nào? Lý tưởng nhất là nếu quả bom được kích hoạt ở rìa vùng tối Mặt Trăng thì ánh sáng của Mặt Trời sẽ rọi bóng đám mây hình nấm từ sau. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra như kỳ vọng. Đám mây hình nấm hình thành sau vụ nổ hạt nhân là do bụi và mảnh vỡ bị hất tung lên trong bầu khí quyển đặc. Còn ở Mặt Trăng thì chỉ có chân không. Mặt Trăng có một số loại khí quanh bề mặt nhưng không thực sự có bầu khí quyển như Trái Đất. Do không có bầu khí quyển đặc nên không có sức cản với bụi và mảnh vỡ do vụ nổ hạt nhân gây ra. Các bụi và mảnh vỡ sẽ cứ bắn lên mà không quay ngược trở lại bề mặt. Do đó, sẽ không có cột khói, không có âm thanh hay sóng va chạm, không có đám mây hình nấm. Chỉ là rất nhiều bụi mà thôi.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là người Mỹ sẽ mất màn trình diễn. Người trên Trái Đất sẽ nhìn thấy một vệt sáng từ vụ nổ. Mặt Trời có thể sẽ chiếu qua lớp bụi và mảnh vỡ để người trên Trái Đất có thể chứng kiến một cảnh đẹp mắt.
Theo trang history.com, dự án cuối cùng đã bị hủy bỏ. Lý do vẫn chưa rõ. Những gì mà mọi người có chỉ là phỏng đoán từ nhiều nguồn. Một số cho rằng Không quân Mỹ hủy chương trình vì mối nguy hiểm tiềm ẩn với con người trên Trái Đất nếu thất bại. Số khác cho rằng các nhà khoa học lo ngại về việc vật liệu phóng xạ làm ô nhiễm Mặt Trăng khiến cho con người sau này không thể thực hiện sứ mệnh đặt chân lên Mặt Trăng. Cũng có người cho lý do kế hoạch bị bỏ là do Không quân lo người dân sẽ tức giận khi họ thấy Mỹ sẽ phá hủy vẻ đẹp của Mặt trăng chứ chẳng thể phô diễn sức mạnh khoa học.