Melita Norwood: Nữ điệp viên không bao giờ bị bắt - Kỳ 2

Kỳ 2: Những sự may mắn đến kỳ lạ


Không được đào tạo bài bản, động cơ lớn nhất cho quyết định bắt tay với KGB chỉ đơn giản là muốn góp phần giúp Mátxcơva có cơ hội bình đẳng với Oasinhtơn và Luân Đôn trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Norwood lại là một điệp viên rất thành công trong việc đảm bảo bí mật. Gần 40 năm làm việc cho KGB dưới vỏ bọc thư ký của Tổng Thư ký Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm, Norwood luôn giữ được an toàn cho chính mình và cũng là cho cả lưới tình báo mà KGB cài cắm ở Anh mà ở đó bà là một mắt xích quan trọng. Tuy nhiên, không phải không có lúc Norwood gặp nguy hiểm. Nhưng có lẽ thần may mắn đã luôn đứng về phía bà. Chính vì vậy, Norwood đã trở thành nữ điệp viên không bao giờ bị bắt ngay cả khi thân phận bị phơi bày lên mặt các phương tiện truyền thông năm 1999.


Điệp viên KGB đào tẩu Vasili Mitrokhin.


Trở lại năm 1937, Cơ quan tình báo đối nội Anh (MI5) bắt đầu điều tra Percy Glading, một cựu nhân viên giám định vũ khí của Hải quân Hoàng gia. Vài tháng sau, MI5 phát hiện Glading là chỉ huy của một lưới gián điệp cộng sản. Đầu năm 1938, vòng vây khép chặt. Glading và hai đồng sự đã bị bắt tại trận khi vẫn cầm tài liệu mật trên tay. Khám xét nơi ở của Glading, các nhân viên an ninh Anh thu được một cuốn sổ trong đó có đề cập tới một gián điệp có mật danh "Hola". Tuy nhiên, các nhà chức trách nước này đã thất bại trong việc xác định danh tính thực sự của "Hola" mặc dù Norwood cũng đã nằm trong diện nghi vấn. Sau mấy tháng "đóng băng", nghe ngóng động tĩnh, KGB quyết định lại kích hoạt "Hola". Đường dây nối thông và Norwood đã không phụ sự trông đợi của những người bạn Liên Xô, đều đặn cung cấp cho họ những tài liệu khoa học kĩ thuật công nghiệp mà bà cảm thấy "hữu ích".


Năm 1945, Dự án Tube Alloys chuyển sang giai đoạn thiết kế lò phản ứng phục vụ việc sản xuất Plutonium, một nguyên tố nhân tạo được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử. Từ vị trí vòng ngoài, Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm nhanh chóng trở thành đầu mối trung tâm trong Dự án Tube Alloys. Nhiều cuộc điều tra bí mật đã được tiến hành nhằm đảm bảo không có một nhân vật nào ngoài danh sách cho phép có khả năng hay điều kiện tiếp cận với thông tin cũng như kết quả nghiên cứu của Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm. Tổng Thư ký L. Bailey đảm bảo với các nhà chức trách rằng sẽ thực thi một chế độ bảo mật nghiêm ngặt, không cho phép bất cứ ai giữ lại các bản ghi chép hay đánh máy… Tuy nhiên, tất cả những người được lựa chọn vẫn bị thẩm tra lý lịch và trải qua phần phỏng vấn cho chính các nhân viên MI5 tiến hành. MI5 không phát hiện được bí mật "đảng viên cộng sản" của Norwood và thật kỳ lạ họ vẫn để một người mà 7 năm trước đó từng nằm trong danh sách tình nghi là gián điệp tham gia vào phần chính của Dự án Tube Alloys.


Ngoài ra, Norwood còn có được một sự may mắn lớn khác, đó là kết hôn với một người chồng biết giữ mồm giữ miệng. Năm 1949, Melita Sirnis và Hilary Norwood nên duyên. Theo lệnh của trên, Melita Norwood không tiết lộ thân phận tình báo với chồng. Nhưng một thời gian sau, bằng sự nhạy cảm, Hilary đã phát hiện nghề nghiệp thật sự của vợ mình. Tuy không đồng ý với hoạt động mạo hiểm của vợ, nhưng Hilary vẫn không một lời oán thán, đặc biệt không bao giờ tâm sự với ai điều thầm kín chết người ấy. Năm 1986, Hilary qua đời và mang theo luôn bí mật về vợ xuống mộ.


Mặc dầu vậy, cuộc đào tẩu của một nhân viên KGB, có tên Vasili Mitrokhin, vào năm 1992 cũng đã khiến Norwood không thể chìm mãi trong bóng tối được nữa. Năm 1997, lần đầu tiên, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là Jack Straw đề cập tới những tài liệu lưu trữ mà Mitrokhin cung cấp cho phía Anh. Tháng 12/1998, lần đầu tiên, ông Straw tiết lộ về vai trò của Norwood, sau đó yêu cầu cơ quan an ninh nước này xem xét có thể khởi tố Norwood hay không. Tuy nhiên, câu trả lời từ ngành tư pháp nước này là cơ hội cuối cùng để khởi tố Norwood đã qua đi từ năm 1992 do đã hết thời hạn. Điều đó có nghĩa, cho dù thân phận bị bại lộ, nhưng Norwood vẫn hoàn toàn thong dong ngoài vòng pháp luật hưởng nốt những năm tháng cuối đời của mình.


Ngày 11/9/1999, cái tên Norwood tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng Anh. Gần 40 năm làm việc cho KGB, hơn 60 năm thân phận chìm trong bóng tối, Melita Norwood bây giờ mới công khai bước ra, trở thành nữ điệp viên không bao giờ bị bắt.



Minh Thành (Tổng hợp)

Melita Norwood: Nữ điệp viên không bao giờ bị bắt - Kỳ 1
Melita Norwood: Nữ điệp viên không bao giờ bị bắt - Kỳ 1

Từng nằm trong diện nghi vấn của Cơ quan tình báo đối nội Anh (MI5) từ năm 1945, thậm chí đã bị kẻ bội phản KGB, Vasily Mitrokhin, vạch mặt chỉ tên, nhưng rốt cuộc Melita Norwood vẫn thong dong ngoài vòng pháp luật...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN