Cảnh tượng dễ thấy nhất sau ngày Campuchia thoát họa diệt chủng là đất chết, người đói.
Chuyên gia Việt Nam trao đổi kinh nghiệm với cán bộ kỹ thuật Campuchia tại Trại gà số 2 do Việt Nam giúp xây dựng sau ngày giải phóng. |
Việc cần thiết đầu tiên mà Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các lực lượng vũ trang của Mặt trận và các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phải làm ngay sau ngày chiến thắng 7/1/1979 là cứu đói và chữa bệnh cho hàng triệu người còn đang ngơ ngác chưa biết là mình được cứu sống; tiếp đó, phải giúp họ hồi hương, tìm lại người thân bị li tán dưới thời Pol Pot, từng bước khôi phục sản xuất, bắt đầu công cuộc hồi sinh từ đống tro tàn.
Đúng là hàng núi công việc, từ xây dựng hệ thống chính trị mà trước hết là chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở, tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường các lực lượng vũ trang, đến khôi phục các cơ sở kinh tế và các hoạt động của đời sống xã hội dân sự... Việc nào cũng quan trọng, việc nào cũng cấp thiết, vì mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0, trong khi cái gì cũng thiếu; tiền lại chưa phát hành.
Những ngày đầu mới giải phóng, có những đoàn chuyên gia của ta phải cử người về TP Hồ Chí Minh mua đồ lót cho phụ nữ bạn mà nhiều chị em Campuchia, khi nhận được, đã bật khóc…
Nói chuyện với đại diện cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 - 1989, nhân dịp trở lại thăm Việt Nam (từ 26 đến 28/12/2013), Thủ tướng Hun Sen nhớ lại: Năm 1979, 100% dân Campuchia thuộc diện đói, diện nghèo. Ngay bản thân ông, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao, mỗi tháng cũng chỉ được 16 kg lương thực, gồm 10 kg gạo và 6 kg ngô.
Cộng hòa Nhân dân Campuchia (thành lập ngày 8/1/1979) thời ấy là một đất nước nửa sáng nửa tối - vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. Thiếu đói là một chuyện, nhưng khó khăn nhất, gian khổ nhất, hy sinh mất mát nhiều nhất chính là cái nửa tối chiến tranh - một cuộc chiến dai dẳng chống tàn quân Khmer Đỏ lúc ẩn, lúc hiện, nay tập kích chỗ này, mai tập kích chỗ kia. Bè lũ Pol Pot và các thế lực cùng phe với chúng vẫn mưu toan “đảo ngược tình hình”.
Không bảo vệ được thành quả của ngày 7/1/1979 đồng nghĩa với việc để chế độ diệt chủng Pol Pot quay trở lại Campuchia.
Thế mới thấy công cuộc hồi sinh trên đất nước bạn khó biết nhường nào.
Vậy mà Campuchia đã bật dậy với nỗ lực hồi sinh phi thường, từng bước phục hồi và phát triển về mọi mặt. Quan trọng là sau 10 năm, bạn đã tự đảm đương được mọi việc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước để Việt Nam có thể rút toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia về nước vào cuối năm 1989.
Sự thật là trong 10 năm (1979 - 1989), Việt Nam đã phải gồng mình dồn sức người, sức của giúp bạn, bất chấp mọi khó khăn và trở ngại khi các thế lực thù địch từ nhiều phía thực hiện bao vây, cấm vận và cô lập chống lại nước ta để phản đối cái gọi là “Việt Nam xâm lược Campuchia”.
Thành tựu 10 năm ấy chưa phải là tất cả, nhưng là nền móng vững bền để Cộng hòa Nhân dân Campuchia (từ tháng 5/1989 đổi thành Nhà nước Campuchia) tiếp tục tiến lên, với thế và lực hơn hẳn các phái Campuchia khác khi đi vào một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia mà kết quả là Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia được ký ngày 23/10/1991.
Với việc thực thi hiệp định này, người Campuchia (trừ Khmer Đỏ) đã cùng đi chung một con đường theo tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc mà đích đến cuối cùng là hòa bình để dựng xây và phát triển đất nước.
Câu chuyện về Campuchia cuối cùng đã kết thúc có hậu. Khmer Đỏ, tuy tham gia ký Hiệp định Paris, nhưng đã tự đặt mình ra ngoài tiến trình hòa bình để rồi tự tan rã sau cái chết bí ẩn của Pol Pot năm 1998. Chỉ khi Khmer Đỏ tan rã hoàn toàn, người Campuchia mới thoát khỏi cảm giác “trong chân có gai” (chữ của nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti). Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5/1993, do Liên hợp quốc tổ chức và giám sát theo quy định của Hiệp định Paris, chế độ quân chủ lập hiến đã được tái lập. Vương quốc Campuchia mới, được cả thế giới công nhận, từng bước phát triển đi lên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Đảng Nhân dân Campuchia, đứng đầu là 3 Samdech - Samdech Chea Sim, Samdech Heng Samrin và Samdech Hun Sen, vẫn giữ vị trí là đảng cầm quyền trong thể chế đa đảng suốt mấy chục năm qua. Nếu không, mọi chuyện có thể đã khác.
35 năm sau nhìn lại, cái mốc son của ngày chiến thắng 7/1/1979 vẫn chói ngời.
Campuchia vẫn không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nhì khu vực trong nhiều năm qua (đạt mức bình quân trên 7%/năm). Tuy còn 19% dân số thuộc diện nghèo như lời Thủ tướng Hun Sen nói với đại diện cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hôm 27/12 vừa qua, nhưng thu nhập bình quân đầu người đã vượt ngưỡng 1.000 USD (năm 2013, vẫn theo Thủ tướng Hun Sen, con số này là 1.036). Người Campuchia như đang sống trong mơ, như đang ở thiên đường, nếu so với những gì mà họ phải trải qua cách nay 35 năm có lẻ.
Mừng cho đất nước và nhân dân Campuchia đang trên đường hưng thịnh mà tất cả những gì có được hôm nay, như chính lời Thủ tướng Hun Sen nói, đều bắt đầu từ ngày hôm qua, từ chiến thắng 35 năm trước. Ngày 7/1/1979 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Campuchia cũng như lịch sử quan hệ hữu nghị lâu bền giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Và những người làm nên sự kiện lịch sử ấy chắc chắn không thể bị lãng quên.
Nguyễn Quốc Uy