Hiệp định Geneve - Tạo thành cốt lõi của Hiệp định Paris

Vào những ngày này cách đây 60 năm, nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới đang chăm chú dõi theo từng diễn biến gay go, quyết liệt trên bàn đàm phán của Hội nghị Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có ảnh hưởng chính trị sâu rộng trong nước và thế giới, góp phần lớn lao cho sự thành công của Hội nghị Geneve về Đông Dương năm 1954. Trong ảnh: Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.


Trải qua 75 ngày thương lượng căng thẳng với 31 phiên họp, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về Đông Dương đã được ký kết. Với Hiệp định Geneve, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được một cam kết chính trị có tính chất pháp lý quốc tế quan trọng, ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, buộc Pháp phải chấp nhận đình chiến trên toàn cõi Đông Dương, cam kết rút quân khỏi Đông Dương - đây là một thắng lợi ngoại giao hết sức quan trọng.


Hội nghị Geneve về Đông Dương bắt đầu từ ngày 8/5/1954 với sự tham gia của 9 đoàn đại biểu chính thức: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và chính quyền Bảo Đại. Hiệp định Geneve được ký kết với các văn kiện chính thức gồm: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, ba hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định ghi nhận các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; giới tuyến quân sự (vĩ tuyến 17) chỉ có tính chất tạm thời không được coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ và Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956.


Hiệp định Geneve đã giải quyết vấn đề Đông Dương theo đúng lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: Kiến lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất, độc lập, dân chủ của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 10/4/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong báo cáo trước Quốc hội về chủ trương và phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị Geneve đã nhấn mạnh: "Lập trường của nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương là: Hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ".


Hiệp định Geneve đã đem lại hệ quả là một nửa nước Việt Nam được giải phóng gắn liền với hậu phương xã hội chủ nghĩa rộng lớn và làm cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hòa nhập với trào lưu cách mạng thời đại, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Việc giải phóng miền Bắc đem lại cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một khu vực hoàn chỉnh có đầy đủ điều kiện cần thiết của một quốc gia để xây dựng chế độ kinh tế, chính trị mới, trở thành căn cứ địa cho công cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, là hậu phương vững chắc cho cách mạng ba nước Đông Dương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà.


Với Hiệp định Geneve, lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận một nước thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó không những đã cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm hoàn thành các mục tiêu độc lập dân tộc mà còn có tác dụng động viên phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Do đó, Hiệp định Geneve cũng là thắng lợi lớn của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đang đấu tranh để khôi phục và bảo vệ quyền dân tộc của mình.


Hội nghị Geneve đã nêu rất cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị quốc tế đa phương và đã trở thành tâm điểm của hoạt động quốc tế trong suốt những năm giữa thập kỷ 50 và cả những năm sau đó. Từ chỗ là một thuộc địa của Pháp, với cuộc đấu tranh đầy hy sinh, anh dũng của mình, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một bên tham gia đàm phán quốc tế, phát huy thiện chí hòa bình, tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và dân chủ.


Trên thực tế, Hiệp định Geneve năm 1954 là vũ khí chủ yếu để nhân dân Việt Nam đấu tranh pháp lý trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính những nội dung cơ bản của Hiệp định Geneve năm 1954 đã tạo thành cốt lõi của Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Geneve thể hiện tư tưởng biết giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trên tinh thần tiến công cách mạng. Đây là một trong những phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời cũng là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.


Thông tin tư liệu

Giá trị thời đại của Hiệp định Geneve
Giá trị thời đại của Hiệp định Geneve

Cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Navarre, cố gắng chiến tranh cao nhất và cũng là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN