Gian nan cuộc chiến chống ma túy toàn cầu

Gian nan cuộc chiến chống ma túy toàn cầu-Kỳ cuối: Những quan điểm khác nhau

Tháng 6/2011, Ủy ban Tư vấn toàn cầu về chính sách chống ma túy (IDPC), một tổ chức phi chính phủ được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đưa ra nhận định rằng cuộc đấu tranh chống tệ nạn ma túy đã thất bại và để lại những hậu quả nặng nề trên toàn thế giới, bằng chứng là việc sản xuất và tiêu thụ các chất gây nghiện trên phạm vi toàn cầu chẳng những không giảm mà trên thực tế đã tăng lên trong những năm gần đây.

Lực lượng đặc nhiệm tấn công sào huyệt sản xuất ma túy.


Ủy ban tư vấn nói trên gồm có: Cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, đương kim Thủ tướng Hy Lạp Yorgos Papandreu, các cựu Tổng thống Ernesto Zedillo của Mêhicô, César Gaviria của Côlômbia, và Fernando Henrique Cardoso của Braxin cùng một số nhân vật nổi tiếng như nhà văn Mario Vargas Llosa (Pêru), người đoạt giải Nobel văn chương 2010 và cựu quan chức phụ trách đối ngoại của Cộng đồng châu Âu Javier Solana… đã nêu lên ý kiến tương tự như phát biểu của văn hào Garcia Marquez từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước rằng sự cấm đoán và trấn áp đã làm cho việc buôn bán ma túy càng trở nên hấp dẫn và lợi nhuận thu được càng cao, đồng thời làm cho tội phạm cũng ngày càng tăng và tình trạng tham nhũng lan rộng khắp nơi. Do vậy ủy ban này đã đề nghị áp dụng biện pháp cho phép hợp pháp hóa việc buôn bán một số loại ma túy, chẳng hạn như cần sa.

Đồng thời trong bản báo cáo của mình, ủy ban cũng cho rằng việc coi những người sản xuất và sử dụng ma túy là tội phạm đã không giải quyết được vấn đề và không làm giảm được tình hình cung cấp và tiêu thụ các loại ma túy bất hợp pháp. Báo cáo cũng cho rằng các quốc gia sử dụng quân đội và lực lượng an ninh vào việc kiểm soát ma túy (tuy không nêu tên, nhưng dư luận báo chí Mỹ Latinh hiểu rằng báo cáo muốn nói tới Mêhicô và Mỹ) chỉ nên hướng sự “trấn áp bằng biện pháp mạnh” vào các băng đảng tội phạm có tổ chức chuyên buôn bán và vận chuyển ma túy trên quy mô lớn.


Các loại ma túy và tiền bạc bị thu giữ.

Ngay lập tức, các đề xuất này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi ở nhiều nước trên thế giới. Một tờ báo lớn ở Mêhicô đặt câu hỏi: Vì cấm đoán mà ma túy trở nên nguy hiểm hay chính vì nó rất nguy hiểm nên phải cấm? Ở Áchentina, một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra tại một hội nghị bàn tròn được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia suýt xảy ra sự cố nghiêm trọng khi người dẫn chương trình đã phê phán chủ trương của Chủ tịch Hội phòng chống ma túy ủng hộ việc cho phép bán lẻ cần sa, một chất gây nghiện rất phổ biến ở các nước Nam Mỹ. Bị đụng chạm, ông chủ tịch đã nổi nóng cầm cốc nước ném mạnh… xuống sàn nhà và đứng dậy nói như quát vào mặt MC gạo cội của kênh TV C5: May cho anh là Chúa đã dắt tay tôi hướng ra ngoài, nếu không chiếc cốc đã vỡ tan trên đầu anh.

Là người điềm tĩnh, nhưng Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon cũng nhanh chóng lên tiếng trên Đài phát thanh Caracol của Côlômbia: “Tôi không thể đồng ý với kiến nghị hợp pháp hóa buôn bán ma túy của Ủy ban tư vấn, bởi điều đó sẽ nguy hại cho tương lai của thế hệ trẻ và ảnh hưởng lớn đến vấn đề sức khỏe của đông đảo người dân. Hợp pháp hóa việc buôn bán cần sa có thể kéo giá các chất gây nghiện xuống và làm hạn chế thu nhập tài chính của giới đầu nậu kinh doanh ma túy, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc sẽ khuyến khích hàng triệu, hàng triệu người lao vào con đường nghiện ngập bởi lẽ giá bán lẻ ma túy rẻ hơn càng hợp với túi tiền của họ, và thị trường được tự do nghĩa là họ dễ dàng mua ở đâu cũng được. Rõ ràng hiệu ứng của biện pháp đề ra sẽ là ‘lợi bất cập hại’. Tôi mong quý vị hãy cân nhắc kỹ vấn đề này.”

Ông Calderon là người từ khi nhậm chức Tổng thống Mêhicô tháng 12/2006 đã bắt đầu chiến dịch trấn áp, truy quét tội phạm ma túy mạnh mẽ nhất từ trước tới nay ở nước này. Ông kiên quyết bác bỏ lập luận cho rằng việc trấn áp tệ nạn ma túy đã thúc đẩy tội phạm và bạo lực, bởi vì theo phân tích của ông, bạo lực và tội phạm là những thứ đã có nguồn gốc trong xã hội Mêhicô từ lâu, và chính quốc hội và chính quyền các bang, các thành phố và nhiều địa phương đã yêu cầu chính phủ liên bang phải hành động để bảo vệ lợi ích và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Về phần mình, chính phủ Mỹ cũng ra tuyên bố không tán thành báo cáo của IDPC và coi các đánh giá và đề nghị của tổ chức này là không thể chấp nhận được. “Vua” chống ma túy Gil Kerlikowske, người chỉ huy cuộc chiến chống ma túy của Mỹ cho rằng thả nổi thị trường phân phối ma túy sẽ chỉ làm khó khăn cho việc duy trì sự bình yên và đời sống lành mạnh của các cộng đồng dân cư mà thôi.

Báo Los Angeles Times dẫn lời các chuyên gia phản đối ý tưởng cho rằng hợp pháp hóa việc kinh doanh một số loại chất gây nghiện sẽ có tác dụng hạn chế bớt lợi nhuận của giới đầu nậu buôn bán ma túy và giảm thiểu được tình trạng bạo lực, bởi vì các băng đảng tội phạm có trăm nghìn kế sách để bù đắp khoản tài chính thất thu kia bằng các thủ đoạn khác như bắt cóc, tống tiền, làm hàng giả, và do đó bạo lực chỉ có tăng mà không bao giờ giảm.

Rõ ràng là - tờ báo viết tiếp - hợp pháp hóa buôn bán ma túy không thể nào giúp chấm dứt tội ác và bạo lực, cũng không thể giúp cho các thể chế của chúng ta giảm bớt được gánh nặng và trách nhiệm trong việc gìn giữ an ninh công cộng.

Tuy nhiên, trong dư luận giới chức Mỹ và Mêhicô cũng có những ý kiến ủng hộ việc không coi những người có sử dụng hoặc nghiện ma túy là tội phạm mà cho rằng cần phải đối xử với họ trên quan điểm y tế, coi họ như những người bệnh cần được cứu chữa, chứ không phải là những tên tội phạm cần xử lý theo luật hình sự. Nhiều người khác nhấn mạnh việc cần phải tiếp tục các cuộc thảo luận, tranh luận rộng rãi về vấn đề này để có thể đưa ra những giải pháp tổng thể, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, tránh việc áp dụng vội vàng những biện pháp nửa vời, thiếu cân nhắc làm cho mục tiêu “giảm thiểu và xóa bỏ vấn nạn ma túy” trên thế giới ngày càng xa vời.

Phạm Đình Lợi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN