Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran - Kỳ cuối

Quyền tư lệnh của Iran đã được chuyển từ các nhà lãnh đạo quân đội vào tay các giáo sĩ vào giữa năm 1982.

LẬT NGƯỢC TÌNH THẾ

Trong tháng 3 năm đó, Iran đã phát động “Chiến dịch Chiến thắng Dứt khoát”. Iran đã thâm nhập vào khu vực "bất khả xâm phạm" của Iraq, chia rẽ lực lượng của Iraq và buộc người Iraq phải rút lui. Chiến dịch này được phối hợp giữa quân đội, Vệ binh cách mạng Hồi giáo và tình nguyện viên, được coi là bước ngoặt vì thế trận đã chuyển từ tay Iraq sang Iran.

Binh sĩ Iraq bị bắt làm tù binh.


Tháng 5/1982, các đơn vị của Iran cuối cùng đã giành lại vùng Khorramshahr dù thương vong khá cao. Sau chiến thắng này, người Iran vẫn duy trì áp lực lên các lực lượng còn lại của Iraq và Tổng thống Saddam Hussein đã phải tuyên bố rút khỏi lãnh thổ Iran. Ông Hussein ra lệnh rút quân đến biên giới quốc tế, hy vọng rằng Iran sẽ đồng ý để chấm dứt chiến tranh. Iran không chấp nhận việc rút quân này như là sự chấm dứt cuộc xung đột và tiếp tục cuộc tấn công nhằm vào trong lãnh thổ Iraq. Cuối tháng 6/1982, Iraq tuyên bố sẵn sàng đàm phán về các thỏa thuận giải quyết chiến tranh và rút quân ra khỏi Iran. Tuy nhiên, Iran đã từ chối đề nghị này.

Trong tháng 7/1982, Iran đã mở chiến dịch Ramadan vào lãnh thổ Iraq, gần Basra. Iran đã sử dụng lực lượng tình nguyện viên và Vệ binh cách mạng Hồi giáo trong một trong những trận đánh trên bộ lớn nhất kể từ năm 1945. Lực lượng tình nguyện có độ tuổi từ 9 đến hơn 50, dù tràn đầy nhiệt huyết nhưng phần lớn chưa qua huấn luyện, đã tràn qua các bãi mìn và công sự để dọn đường cho xe tăng. Họ hứng chịu tổn thất nặng nề nhưng vẫn giành lại được một số vùng lãnh thổ.

Đến cuối năm 1982, Iraq đã được cung cấp thêm trang thiết bị mới và cuộc chiến tranh trên bộ bước vào một giai đoạn mới. Năm 1983, Iran đã tiến hành 3 cuộc tấn công dọc theo biên giới nhưng không thành công mà lại phải chịu tổn thất nặng nề. Trong năm 1983, Iran tiếp tục thiệt hại nặng nề về người nhưng vẫn chiếm được ưu thế rõ rệt trong các cuộc tấn công và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh nhiều tổn thất này.

Bắt đầu từ năm 1984, mục tiêu quân sự của Iraq chuyển từ việc kiểm soát lãnh thổ Iran sang ngăn chặn đà tiến của Iran bên trong lãnh thổ Iraq. Hơn nữa, bằng các cách khác nhau, Iraq đã buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán. Đầu tiên, Tổng thống Saddam Hussein đã tìm cách khiến Iran chịu tổn thất ngày càng nhiều về người và của trong cuộc chiến.

Với mục đích này, Iraq đã mua vũ khí mới, chủ yếu là từ Liên Xô và Pháp. Iraq cũng xây xong "khu vực chết chóc" (trong đó bao gồm chủ yếu là các khu bị làm ngập nhân tạo gần Basra) để ngăn chặn các đơn vị của Iran. Ngoài ra, Iraq còn sử dụng vũ khí hóa học và tấn công các trung tâm kinh tế. Dù Iraq quyết tâm không cho Iran tiến xa hơn nhưng vào tháng 3/1984, các đơn vị của Iran đã chiếm được nhiều khu vực của quần đảo Majnoun, nơi có các mỏ dầu có giá trị về kinh tế cũng như chiến lược của Iraq.

Các binh sĩ Iran tấn công.


Bên cạnh đó, Iraq cũng sử dụng các biện pháp ngoại giao và chính trị. Tháng 4/1984, Tổng thống Saddam Hussein đã đề xuất gặp riêng lãnh đạo Iran Khomeini ở một địa điểm trung lập để thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, một lần nữa Iran đã bác bỏ đề nghị này.

Chưa dừng tại đó, Iraq cho rằng tấn công tàu của Iran có thể khiến nước này tổn thất và chấm dứt chiến tranh nên đã tiến hành một loạt cuộc tấn công mới vào các tàu chở hàng của Iran vào ngày 1/2/1984. Đến năm 1984, khoảng 300.000 binh sĩ Iran và 250.000 binh sĩ Iraq đã thiệt mạng hoặc bị thương. Iran mặc dù đã tổn thất rất nhiều nhưng không đạt được bước tiến nào đáng kể. Từ giữa tháng 5/1981 đến tháng 3/1984, Iran đã cáo buộc Iraq 40 lần sử dụng vũ khí hóa học nhưng Iraq luôn bác bỏ.

Tháng 3/1986, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Javier Perez de Cuellar, chính thức cáo buộc Iraq đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại Iran. Báo cáo của Liên hợp quốc kết luận rằng các loại vũ khí được sử dụng bao gồm cả khí hơi cay và khí độc. Iraq đã phủ nhận cáo buộc này. Theo một đại diện của Anh tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva vào tháng 7/1986, "vũ khí hóa học của Iraq đã khiến khoảng 10.000 người thương vong".

Trong thời gian còn lại năm 1986, hai bên đã tổ chức các cuộc tấn công nhỏ. Vào cuối tháng 5/1987, khi chiến tranh dường như đã rơi vào bế tắc hoàn toàn trên mặt trận phía nam, các cuộc đụng độ đã được tăng cường ở phía bắc Iraq.

Không chỉ tấn công các mục tiêu quân sự, cả Iran và Iraq đều nhằm cả vào các mục tiêu dầu lửa, gây ra tổn thất nặng nề cho ngành này ở cả hai nước. Nhiều lĩnh vực xuất khẩu của Iraq đã bị xóa sổ trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, hoặc do những thiệt hại liên quan đến chiến tranh hoặc vì lý do chính trị. Năm 1982, Syria (đồng minh với Iran vào thời điểm đó) đã chặn đường ống dẫn dầu Banias dài khoảng 800 km, có công suất 650.000 thùng/ngày, vốn là đường dẫn sống còn của Iraq đến biển Địa Trung Hải và thị trường dầu mỏ châu Âu. Đến năm 1983, khả năng xuất khẩu của Iraq chỉ còn 700.000 thùng/ngày.

Tình hình sản xuất dầu của Iran cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi hoạt động sản xuất dầu thô trên bờ của Iran và dầu khai thác từ mỏ dầu Forozan đều bị tác động lớn với 9.000 vụ ném bom trong cuộc chiến.

Tiếp đó, Iran và Iraq tham gia vào bốn trận đánh lớn từ tháng 4 đến tháng 8/1988. Đến lúc này, cuộc chiến tranh Iran - Iraq đã kéo dài gần 8 năm, từ tháng 9/1980 đến tháng 8/1988. Chiến tranh chỉ kết thúc khi Iran chấp nhận Nghị quyết 598 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn ngày 20/8/1988. Nghị quyết trên được cả Mỹ và Liên Xô ủng hộ.

Cuộc chiến trên đã gây tổn thất cực lớn về người và vật chất và là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ước tính hơn 1,5 triệu người Iran thương vong, trong đó 1 triệu người chết. Hàng triệu người phải tị nạn. Iraq có khoảng 300.000 người chết và hơn 500.000 người bị thương.

Cuối cùng, các vấn đề, nguyên nhân, điều kiện dẫn tới cuộc chiến vẫn y nguyên. Thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc dàn xếp chỉ đơn thuần là chấm dứt cuộc chiến. Hai quốc gia bị cô lập dấn vào một cuộc chạy đua vũ trang với nhau và với các nước khác trong khu vực.


Công Thuận



Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran - Kỳ 2
Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran - Kỳ 2

Chiến tranh Iran-Iraq đã gây căng thẳng về chính trị và xã hội cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN