Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran - Kỳ 2

Chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980-1988 đã vĩnh viễn thay đổi tiến trình lịch sử của Iraq, gây căng thẳng về chính trị và xã hội cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước này.

THẾ TRẬN THỜI KÌ ĐẦU

Phi công Iraq chuẩn bị trước khi không kích Iran.


Ngày 22/9/1980, một phi đội MiG-23 và MiG-21 của Iraq đã tấn công căn cứ không quân của Iran. Mục đích của họ là phá hủy lực lượng không quân của Iran ngay từ trên mặt đất. Iraq đã phá hủy đường băng, kho nhiên liệu và đạn dược, nhưng phần lớn máy bay của Iran vẫn nguyên vẹn. Nguyên nhân là máy bay của Iran đều được bảo vệ trong các nhà chứa máy bay được gia cố đặc biệt. Chỉ trong vài giờ, máy bay F-4 Phantom của Iran đã cất cánh từ các căn cứ bị không kích, tấn công đáp trả thành công các mục tiêu chiến lược quan trọng gần các thành phố lớn của Iraq, và trở về hầu như không tổn thất gì.
Cùng thời điểm không kích các sân bay của Iran, 6 sư đoàn của Iraq đã xâm nhập vào Iran theo 3 mũi trong một cuộc tấn công bất ngờ. Iraq đã thành công bước đầu khi tiến sâu vào trong lãnh thổ Iran 8 km và chiếm được một khu vực 1.000 km2 của Iran.

Nhằm nghi binh trên mặt trận phía bắc, một sư đoàn bộ binh sơn cước cơ giới hoạt động tại vùng núi Iraq đã tràn san tấn công các đơn vị đồn trú ở Qasr-e Shirin và chiếm đóng một khu vực trải dài 30 km về hướng đông đến chân núi Zagros. Khu vực này có ý nghĩa quan trọng chiến lược bởi vì các đường cao tốc chính nối Baghdad-Tehran đi qua đây.

Ở mũi tấn công trung tâm, quân đội Iraq chiếm đóng Mehran, khu vực đồng bằng phía tây của dãy núi Zagros tại tỉnh Ilam, đồng thời tiến về phía đông đến chân núi. Mehran là một vị trí quan trọng trên con đường chính từ bắc vào nam, gần biên giới phía Iran.

Mũi tấn công chính là ở phía nam, nơi mà 5 sư đoàn thiết giáp và cơ giới đánh chiếm Khouzestan theo hai hướng, một hướng vượt qua sông Arvand-roud gần Basra, bao vây và cuối cùng là chiếm đóng Khorramshahr, còn hướng thứ hai nhằm vào Sousangerd là có Ahvaz-căn cứ quân sự chính yếu ở Khouzestan. Được hỗ trợ bởi hỏa lực pháo binh hạng nặng, quân đội Iraq ở hướng này đã có những bước tiến nhanh chóng và đáng kể-tiến sâu gần 80 km chỉ trong vài ngày đầu tiên.

Binh sĩ Iran đẩy lùi các cuộc tấn công của xe tăng Iraq.


Trong cuộc chiến ở Dezful thuộc Khouzestan, nơi có một căn cứ không quân lớn, chỉ huy quân đội Iran tại đây đã yêu cầu không quân hỗ trợ để không bị thất thủ. Với sự gia tăng lực lượng không quân của Iran, các bước tiến của Iraq đã phần nào bị chậm lại.

Iraq tiến hành một trận đánh chiếm lãnh thổ quy mô lớn cuối cùng vào đầu tháng 11/1980. Vào ngày mùng 3/11, lực lượng Iraq đã tiến tới Abadan nhưng bị đẩy lui. Mặc dù họ đã bao vây Abadan từ ba phía và chiếm đóng một phần của thành phố, người Iraq đã không thể vượt qua sức kháng cự mạnh mẽ tại đây; các khu vực của thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Iran và được tiếp tế bằng thuyền vào ban đêm. Ngày 10/11, Iraq chiếm được Khorramshahr sau một cuộc chiến đẫm máu với người dân địa phương. Thương vong trong trận đánh này với cả hai bên đều rất lớn. Iraq có 6.000 binh sĩ thương vong còn con số thương vong của Iran còn cao hơn.

Các cuộc tấn công chớp nhoáng của Iraq nhằm vào các lực lượng phân tán của Iran khiến nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Iraq sẽ giành chiến thắng chỉ trong vòng vài tuần. Trong thực tế, quân đội Iraq đã nắm quyền kiểm soát sông Arvand-roud và một lãnh thổ trải dài 48 km của Iran.

Về phía Iran, sức kháng cự trước quân Iraq mạnh mẽ bất ngờ nhưng lại không được tổ chức bài bản cũng như không thành công đồng đều trên tất cả các mặt trận. Iraq dễ dàng tiến vào miền bắc và miền trung, đè bẹp các cuộc kháng cự nhỏ lẻ của Vệ binh cách mạng Iran. Tuy nhiên, quân đội Iraq phải đối mặt với sức kháng cự bền bỉ tại Khouzestan. Tổng thống Iraq Saddam Hussein tính toán rằng gần 3 triệu người Arab ở Khouzestan sẽ về phe người Iraq chống lại Iran. Nhưng ngược lại, họ tham gia vào lực lượng vũ trang của Iran và chiến đấu tại Dezful, Khorramshahr và Abadan. Chẳng bao lâu sau khi chiếm được Khorramshahr, quân đội Iraq đã bị mất thế chủ động của mình.

Về phía Iran, nước này bác bỏ đàm phán và tổ chức phòng tuyến chống lại lực lượng quân sự mạnh của Iraq. Iran không chấp nhận thất bại và từng bước tiến hành một loạt các đợt phản công vào tháng 1/1981. Tất cả các tình nguyện viên và các lực lượng vũ trang chính quy Iran luôn sẵn sàng đánh trả.

Tuy nhiên, đợt phản công lớn đầu tiên của Iran đã thất bại vì lý do chính trị và quân sự. Tổng thống Bani Sadr đã dính líu vào một cuộc đấu tranh quyền lực với các nhân vật tôn giáo quan trọng và mong muốn được các lực lượng vũ trang ủng hộ chính trị bằng cách tham gia trực tiếp vào các chiến dịch quân sự. Thiếu chuyên môn quân sự, ông đã phát động một cuộc tấn công với sự tham gia của 3 trung đoàn thiết giáp quá sớm mà không có sự hỗ trợ của các đơn vị Vệ binh cách mạng Hồi giáo. Chính vì quyết định của ông mà quân đội Iran đã bị bao vây cả ba mặt.

Sau khi ông Bani Sadr bị lật đổ, Iran đã giành chiến thắng quan trọng đầu tiên của mình nhờ lãnh tụ Khomeini. Quân đội và lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran đã áp đảo đối phương và phối hợp với nhau để buộc Iraq chấm dứt bao vây khu vực Abadan vào tháng 9/1981. Lực lượng Iran cũng đánh bại Iraq tại khu vực Qasr-e Shirin trong tháng 12/1981 và tháng 1/1982. Các lực lượng vũ trang Iraq đã chùn bước do không muốn thương vong cao và do đó đã không tổ chức tấn công.

Để đối phó với hệ thống phòng không của Iraq, Iran đã sớm phát hiện ra rằng một nhóm gồm hai, ba hoặc bốn máy bay F-4 bay tầm thấp có thể bắn trúng mục tiêu gần như tại bất cứ nơi nào ở Iraq. Phi công Iran đã né được các tên lửa phòng không SA-2 và SA-3 của Iraq.


Công Thuận


Đón đọc kỳ cuối: Lật ngược tình thế
Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran - Kỳ cuối
Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran - Kỳ cuối

Quyền tư lệnh của Iran đã được chuyển từ các nhà lãnh đạo quân đội vào tay các giáo sĩ vào giữa năm 1982.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN