Chịu án tử hình vì... tự tử bất thành

Chịu án tử hình vì... tự tử bất thành-Kỳ cuối: "Tôi không giết mẹ"

Vua George VI - người đã ân xá cho Irene Coffee thoát khỏi án tử hình.

Đức Quốc xã xem chừng bất khả chiến bại, chiến thắng cuối cùng tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhà văn Heidrun Hannusch cho rằng, có lẽ quá hoảng sợ trước khả năng lại rơi vào tay Đức Quốc xã và phải vào trại tập trung, nên vào sáng chủ nhật ngày 11/10/1941, hai mẹ con Coffee đã quyết định cùng tự kết liễu đời mình. Khi bị hỏi cung, Coffee đã giải thích về hành động tuyệt vọng của mình: "Cả hai chúng tôi rất tuyệt vọng và sợ rằng bọn Quốc xã lại chiếm được nước Anh".

Hai mẹ con đã mua sẵn thuốc ngủ ở Thụy Sĩ, đề phòng trường hợp họ bị gửi trả về Đức. Người mẹ đã uống rất nhiều thuốc ngủ, Coffee cũng vậy. Cô còn tìm cách cứa cổ và cắt động mạch của mình. Sau khi tìm mọi cách tự tử mà không thành, Coffee nằm lả bên cạnh người mẹ đã chết. Sau 7 ngày, ngày 18/10, cô mặc áo choàng ngủ ra khỏi nhà. Ra đường, cô nhờ một người đi đường gửi giúp một bức điện cho bác sĩ Green, trong đó viết: "Thưa bác sĩ, chúng tôi muốn tự kết liễu cuộc đời mình. Người mẹ thân yêu của tôi đã làm được, nhưng tôi không tự tử thành công". Bác sĩ ngay lập tức tới nhà họ. Mẹ của Coffee nằm chết trên giường, trong khi Coffee nằm nửa tỉnh nửa mê.

Irene Coffee và người chồng thứ hai Edward Tell ở ngoại ô Sydney, Ôxtrâylia.


Vào thời gian này, nước Anh vốn nổi tiếng là “đất thánh” của những kẻ chán đời với rất nhiều người tự tử. Thậm chí, xu hướng tự tử còn bị coi là tệ nạn của nước Anh. Trước tệ nạn đó, ngành tư pháp Anh đã hình sự hóa những kẻ tự sát và coi đó là những người phạm trọng tội. Theo luật bị ví như luật thời Trung cổ, trong hai người cùng tự tử, người nào còn sống sót sẽ bị coi là kẻ sát hại người kia.

Quan tòa Travers Humphreys, người phải quyết định số phận của Coffee, trong khi xét xử đã nhiều lần tỏ ra đồng cảm với bị cáo, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng không thể làm trái luật pháp.

Irene Coffee choáng người khi nghe bản án tử hình. Cô luôn miệng nói: "Tôi không giết mẹ mình!" trong khi bị áp giải và đưa vào chiếc xe chở tù nhân về nhà tù phụ nữ Halloway.

Theo bản án, Coffee sẽ bị hành quyết lúc 9 giờ sáng ngày 31/12/1941. Nhà tù đã cho giám sát Coffee suốt ngày đêm để cô không tự tử. Theo xác nhận của bác sĩ nhà tù, nỗi đau buồn vì cái chết của người mẹ pha trộn với nỗi kinh hoàng vì bị quy tội giết mẹ đã làm cho Irene suýt phát điên.
Vào đúng ngày tuyên án, có lẽ do lương tâm cắn rứt, thẩm phán Humphreys đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ và cầu xin Đức Vua ân xá. Vua George VI đã giảm án tử hình cho Irene Coffee xuống án tù chung thân. Nhưng Coffee cũng không phải ngồi tù hết đời. Ngày 3/3/1942, nhờ sự vận động của các luật sư và những người ủng hộ, cô đã được trả tự do.

Nhưng Irene Coffee chẳng bao giờ thoát được cơn ác mộng của đời mình. Chịu đựng sự giằng xé nội tâm, Coffee chuyển tới sống ở miền bắc nước Anh, sang Thụy Sĩ và cuối cùng tới Ôxtrâylia. Cô đã tái hôn, nhưng không bao giờ sống hạnh phúc được nữa.

Ngày 30/9/1968, 7 năm sau ngày nước Anh bãi bỏ điều luật coi tự tử là phạm tội, Irene Coffee lại uống một vốc thuốc ngủ, lần này thì cô đã làm được điều cô muốn.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN