Cái chết bi kịch của người khuân vác trên đỉnh núi khó leo nhất thế giới - Kỳ 1

Cộng đồng người leo núi thế giới rúng động khi trên 100 người bị cáo buộc vô tâm bước qua một người khuân vác đang nằm hấp hối để chinh phục đỉnh núi K2 - đỉnh núi cao thứ hai nhưng khó leo nhất thế giới.

Kỳ 1: Ngọn núi nguy hiểm

Chú thích ảnh
Đỉnh núi K2. Ảnh: Alan Arnette

Trong bóng tối, họ xuất hiện. Trên 150 nam giới và phụ nữ thận trọng tiến qua lớp băng, nắm lấy những sợi dây đã được neo vào sườn núi chỉ vài giờ trước đó.

Một số đã chờ đợi nhiều tháng cho chuyến leo núi này. Họ có một cơ hội nhỏ: Gió cuối cùng đã dịu đi vào sáng 26/7, mang lại cho các đội leo núi cơ hội đầu tiên lên đỉnh K2 - Vua của các ngọn núi - tại khu vực Kashmir do Pakistan quản lý.

Họ nhận thông báo rằng một cơn bão sẽ ập vào ngọn núi vào ngày 28. Nếu không lên đỉnh K2 bây giờ, họ sẽ phải chờ tới năm sau.

Đi đầu là đội buộc dây - một đội được lựa chọn cẩn thận gồm những người Sherpa và hướng dẫn viên khỏe nhất. Vượt qua lớp tuyết dày, họ mở ra một con đường bằng cách buộc dây dọc theo Abruzzi Spur đầy đá - con đường phổ biến nhất để lên đỉnh K2.

Phía sau họ, một cột đèn pha chiếu sáng sườn núi Pakistan như đom đóm trong sương mù. Họ cứ đi lên mãi. Dòng người gồm những vận động viên đầy nhiệt huyết, những người Sherpa (một dân tộc ở phía Đông Nepal), những hướng dẫn viên leo núi phương Tây và những khách hàng nước ngoài.

Gần đầu đoàn là nhà leo núi người Na Uy Kristin Harila. Khi mặt trời mọc, cô và người hướng dẫn là Tenjen "Lama" Sherpa, sẽ trở thành những người nhanh nhất đến được tất cả 14 đỉnh núi cao nhất thế giới.

Sau đó là Mohammad Hassan. Là một người khuân vác người Pakistan được giao nhiệm vụ mang thiết bị cho đội buộc dây. Đây là người thanh niên 27 tuổi đã leo lên những vị trí lạnh giá giữa những người leo núi kỳ cựu và Harila.

Sau đó, người ta sẽ phát hiện thấy Mohammad trong tư thế lộn ngược vào đêm đó, chênh vênh ở độ cao hơn 8.000m, treo lơ lửng trên vực thẳm, mặt vùi trong tuyết.

Vào cuối mùa leo núi, ít nhất 102 người đã chinh phục được K2. Tất cả những người leo núi đã xuống núi an toàn và tập hợp lại tại trại ở chân núi. Mohammad thì không.

Cái chết của anh đã gây chấn động ngành leo núi trong những tuần tới và cuối cùng trở thành tiêu điểm trên toàn thế giới. Những người leo núi lên tới đỉnh K2 ngày hôm đó đã bị cuốn vào tâm điểm của một cuộc tranh luận gay gắt.

K2 không phải là đỉnh Everest. Hay đúng hơn, đỉnh Everest không phải là K2.

Huấn luyện viên leo núi Alan Arnette, một nhà leo núi từ năm 1997 và là người Mỹ lớn tuổi nhất từng lên đỉnh K2, cho biết: “Người ta nói rằng nếu muốn khoe khoang, hãy leo lên Everest. Nếu muốn được tôn trọng, hãy leo lên K2”.

K2 khó leo và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn đáng kể so với đỉnh núi cao nhất Trái Đất là Everest. Everest có tỷ lệ tử vong là 3%, trong khi K2 là 25% trước năm 2021. Hiện tỷ lệ này dao động ở mức khoảng 18% sau khi K2 trở thành một lựa chọn phổ biến hơn nhiều đối với những người leo núi.

Ông Arnette nói: “K2 chỉ thấp hơn Everest 243m, nhưng nó cực kỳ dốc. Bắt đầu đã dốc, dốc ở giữa và dốc ở cuối”. Mặt khác, Everest có nhiều khu vực tương đối bằng phẳng.

Thời tiết ở K2 khét tiếng là khó lường. Gió Tây tiến vào dãy Karakoram đập thẳng vào K2, tạo thành các cơn gió xoáy và làm tăng nguy cơ xảy ra tuyết lở.

Khi xem xét những yếu tố này, những người leo núi chờ đợi khi gió đạt tốc độ dưới 48km/h và nắm bắt những cơ hội nhỏ bé đó để tiến lên đỉnh.

Ông Arnette nói: “Năm nay rất bất thường, chỉ có một ngày trong mùa, ngày 27/7, khi gió đủ yếu”.

Hầu hết các đội leo núi đều tin rằng ngày 27/7 là ngày cuối cùng trong năm để có thể lên tới đỉnh.

Khi hầu hết mọi người leo núi đều nghĩ rằng họ chỉ có một cơ hội duy nhất năm nay, con đường lên K2 chật ních người và người.

Oswaldo Friere, hướng dẫn viên leo núi người Ecuador thuộc nhóm Seven Summit Treks của Nepal, nói rằng mùa leo núi này, anh đếm được ít nhất 41 lều ở Trại 3, tức điểm nghỉ ngơi cuối cùng trước khi tới đỉnh K2. Điều đó có nghĩa là phải có 120 đến 160 người tập trung để lên K2.

Là một nhà leo núi suốt 31 năm, Friere là thành viên của đội buộc dây thừng trong tuyến đường giữa trại dưới và trại trên.

Chú thích ảnh
Các nhà leo núi trên đường lên K2. Ảnh: Lucy Westlake

Những rủi ro ở K2 rất phức tạp. Tuyết đã rơi nhiều ngày trước đó, chỉ còn đủ thời gian để đóng gói đồ và tìm chỗ đứng chắc chắn.

Những người muốn lên tới đỉnh sẽ phải leo từ Trại 3, sau đó leo lên bức tường băng và đá nguy hiểm chết người được gọi là Nút cổ chai, sau đó dọc theo một con đường dốc, rồi đi bộ thêm hai giờ nữa lên địa hình dốc 60 độ.

Khi có thêm người đi trên đường mòn leo núi vào ban đêm, nguy cơ tuyết lở hoặc đá rơi đã tăng lên đáng kể.

Cảm nhận được mối nguy hiểm, Friere chuẩn bị thu dọn thiết bị của mình và đi xuống Trại 3.

Cuối cùng, anh lại quyết định leo lên đỉnh vì muốn giúp người bạn Westlake - người phụ nữ Mỹ trẻ nhất chinh phục Everest và đang muốn phá vỡ kỷ lục tương tự ở K2. Họ sẽ cố gắng lên đến đỉnh nhưng thống nhất sẽ đánh giá các điều kiện khi lên dần.

Buổi chiều 26/7, rất nhiều người leo núi đã rời Trại 3 để lên đỉnh. Theo ước tính của Friere, Mohammad và đội buộc dây sẽ nằm trong số những nhóm đầu tiên di chuyển trước 3 giờ 30 chiều.

Friere và Westlake rời đi lúc nửa đêm, hy vọng sẽ đi trước các đội khác hàng giờ và do đó giúp cuộc leo núi an toàn hơn. Họ đã sai.

Kỳ 2: Tai nạn lúc 2 giờ sáng

Thùy Dương/Báo Tin tức (Business Insider)
Điểm lại những vụ cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử Bắc Mỹ
Điểm lại những vụ cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử Bắc Mỹ

Bắc Mỹ đã trải qua lịch sử đau thương khi phải hứng chịu nhiều vụ cháy rừng có sức tàn phá kinh hoàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN