Bí mật về một điệp viên Ixraen trên đất Mỹ

Bí mật về một điệp viên Ixraen trên đất Mỹ - Kỳ 1: Tuổi thơ bị chế giễu

Là một nhân viên phân tích tình báo của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, Jonathan Jay Pollard có điều kiện tiếp cận hệ thống máy tính và thư viện lưu trữ các thông tin mật. Tuy nhiên, trên thực tế Pollard còn là một điệp viên nằm vùng của tình báo Ixraen. Chính vì vậy, tận dụng vị trí công tác quan trọng được giao phó, trong suốt 18 tháng liên tục, Pollard đã thu thập và chuyển hơn 1.000 tài liệu tuyệt mật, đặc biệt là về hệ thống vũ khí của Liên Xô cũ và tiềm lực quân sự của các nước Arập, cho phía Ixraen trước khi bị bắt.

Kỳ 1: Tuổi thơ bị chế giễu

Jonathan Jay Pollard.

Sinh ngày 7/8/1954, Jonathan Jay Pollard là con út trong một gia đình trí thức gốc Do Thái ở Galveston, bang Texas (Mỹ). Khi Pollard còn rất nhỏ, gia đình cậu chuyển tới South Bend, bang Indiana để người cha, một nhà vi trùng học, có điều kiện phát triển tại trường đại học Notre Dame.

Cả ở hai nơi mà gia đình Pollard sinh sống, Galveston (Texas) và South Bend (Indiana), đều không có cộng đồng Do Thái lớn nhưng vì cả cha mẹ Pollard đều mang trong mình dòng máu Do Thái nên gia đình cậu đã tích cực tham gia các nhóm Do Thái nhỏ trong vùng. Gia đình đã cố gắng rất nhiều để con cái thấm nhuần bản sắc Do Thái. Những đứa trẻ nhà Pollard đã được học về nạn tàn sát người Do Thái dưới thời Hitler từ khi còn nhỏ và trưởng thành với mối thù những tên phát xít đã sát hại gần 70 người họ hàng của mình sống tại châu Âu.

Là một cậu bé thông minh, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống học thức nên lúc đi học Pollard luôn thể hiện là một học trò xuất sắc. Có một điểm kỳ lạ là cậu có điểm số rất cao ở trường nhưng khi ở ngoài vòng tay gia đình thì lại bị những đứa trẻ khác ghét bỏ. Ngày nào cậu cũng bị bạn học trêu chọc, chế nhạo và đánh đập. Tại sao vậy? Có vài nguyên nhân giải thích việc đó. Cậu thấp bé hơn so với độ tuổi và lại đeo kính. Trẻ con luôn có ác cảm với những bạn "nấm lùn" và "bốn mắt".

Thêm vào đó, Pollard rõ ràng là rất thông minh và sự ghen tị đối với một đứa trẻ thông minh hay "thú cưng của giáo viên" thường dẫn tới những hành động bắt nạt ở độ tuổi này. Hơn nữa, cậu bé là người Do Thái trong khu vực có ít người Do Thái. Pollard coi đây là nguyên nhân chính của việc cậu trở thành mục tiêu chế giễu. Sự việc này cũng làm tăng sự quan tâm và tình yêu dành cho Ixraen, quê hương gốc của cha mẹ cậu.

Hàng rào thép gai xung quanh trại tập trung Dachau, ngay bên ngoài thành phố Munich, Đức.


Năm 1967, khi cuộc chiến tranh Trung Đông giữa Ixraen và một số nước Arập bùng nổ thì Pollard mới 13 tuổi nhưng sự kiện này đã có tác động rất lớn đến suy nghĩ của cậu bé. Một buổi sáng thức dậy, khi biết rằng cuộc chiến đã kết thúc và phần thắng nghiêng về Ixraen thì Pollard tỏ ra vô cùng phấn khích. Thậm chí cậu còn hét lên giữa sân trường: "Vậy là mình có thể đến Ixraen!".

Sau đó một năm, gia đình Pollard đã đến thăm châu Âu và chuyến đi đã trở thành một bước ngoặt đối định hướng tương lai của cậu bé Pollard. Cậu đã đến thành phố Dachau (Đức) và được tận mắt chứng kiến những bằng chứng của chủ nghĩa bài Do Thái trong thời kỳ cao trào: dây thép gai, các trại gỗ và những lò hỏa thiêu. Cũng như nhiều người Do Thái khác, cậu đã trở về với quyết tâm mạnh mẽ rằng sự khủng khiếp như vậy "sẽ không bao giờ lặp lại!" với người Do Thái.

Năm 1970, Pollard đến Ixraen với tư cách là thành viên trại khoa học dành cho sinh viên xuất sắc. Pollard yêu thích những gì cậu tìm thấy và nhìn thấy tại đây. Khi hồi tưởng lại, Pollard coi chuyến đi là "một trong những trải nghiệm tự do nhất trong đời". Pollard từ lâu đã mơ về việc di cư tới Ixraen. Khi trở về nhà, cậu có thêm quyết tâm hơn bao giờ hết để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Gia đình cậu không phản đối nhưng thuyết phục cậu chờ cho đến khi học xong và có được những kỹ năng phù hợp để phục vụ cho Nhà nước Do Thái.

Tàu chiến của Ixraen đang vượt qua eo biển Tiran gần Sharm el Shaikh, Ai Cập, trong cuộc chiến năm 1967.


Chàng thanh niên Pollard đỗ vào trường đại học Stanford danh tiếng ở bang California. Lúc đầu cậu đăng ký chuyên ngành y khoa với ý định tiếp bước anh trai Harvey, lúc đó đã trở thành bác sỹ. Tuy nhiên, Pollard thấy chương trình quá nặng và nhanh chóng chuyển sang khoa học chính trị. Cậu trở nên nổi tiếng vì lòng say mê và kiến thức sâu rộng về lịch sử quân sự. Cậu đam mê tiểu thuyết tình báo và đã đọc hàng trăm cuốn.

Thời sinh viên, cậu đã “thêu dệt” những ý tưởng lãng mạn về bản thân, có lẽ do ảnh hưởng từ tình tiết trong những câu chuyện tình báo yêu thích và đặc biệt là những câu chuyện đó luôn gắn với Ixraen. Cậu nói với bạn bè rằng mình có hai quốc tịch Mỹ và Ixraen (nhưng sự thật không phải vậy). Pollard thường nói mình là một đại úy hoặc đại tá trong quân đội Ixraen. Cậu cũng có những ý tưởng điên rồ như việc tâm sự với một người bạn rằng mình là “điệp viên Mossad” (Cơ quan tình báo Ixraen). Lúc khác, Pollard lại nói với đám sinh viên trường Stanford rằng cậu đã giết một người Arập trong khi bảo vệ một khu định cư tại Ixraen.

Thế nhưng, có một việc cậu không làm khi còn ở trường Stanford là gia nhập Hillel, hiệp hội sinh viên Do Thái hàng đầu, hoặc bất kỳ nhóm Hebrew đại học có tổ chức nào khác. Năm 1976, Pollard tốt nghiệp Đại học Stanford với tấm bằng cử nhân Khoa học chính trị. Trở về nhà ở South Bend, Pollard tiếp tục theo học trường luật Notre Dame. Sau vài tháng, cậu bỏ dở vì cho rằng các sinh viên khác “chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền” và vì vậy anh ta tuyên bố “không muốn làm một thành viên đoàn luật sư". Sau đó, Pollard được nhận vào trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts ở Boston. Cậu theo học 2 năm nhưng không tốt nghiệp. Chàng trai trẻ Pollard đã mắc chứng khủng hoảng tinh thần liên tục vì cảm giác rằng cậu thuộc về Ixraen chứ không phải Mỹ.

Quang Minh (Tổng hợp)
 
Đón đọc kỳ 2: Khởi đầu sự nghiệp tình báo 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN