Sự kiện đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của các chiến sỹ "mũ nồi xanh" Việt Nam; qua đó khẳng định chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp trong các công việc nhân đạo quốc tế, gìn giữ an ninh, hòa bình cho toàn thế giới. Những người lính mang sứ mệnh vẻ vang nhưng cũng nhiều trách nhiệm này đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng danh những người lính Cụ Hồ trên trường quốc tế.
Bài 1- Sẵn sàng ra biển lớn
Thành lập từ tháng 12/2014, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là đơn vị độc lập đầu tiên của Việt Nam trực tiếp tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chính vì thế, việc tuyển chọn nhân sự, công tác huấn luyện đã được Bộ Quốc phòng tiến hành suốt gần 4 năm trời nhằm đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất trước khi lên đường.
Những viên gạch đầu tiên Tháng 7/2014, Bệnh viện Quân y 175 nhận nhiệm vụ từ Bộ Quốc phòng thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 – đơn vị quân y đầu tiên của Việt Nam sẽ tham gia Phái bộ của Liên hợp quốc tại châu Phi. Ngày 25/11/2014, Bệnh viện dã chiến ra đời với những nhân sự đầu tiên được chọn lọc từ Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 7A, 7B (Quân khu 7) và Bệnh viện Quân đoàn 4.
Các chiến sỹ "mũ nồi xanh" Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia quốc tế sau lễ bế mạc chương trình thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN |
Nói về chủ trương thành lập Bệnh viện dã chiến để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ 5 năm trước, Việt Nam đã cử nhân sự tham gia Phái bộ Liên hợp quốc và theo cam kết đã đến giai đoạn Việt Nam cử các đơn vị độc lập tham gia mà trước hết là thành lập bệnh viện dã chiến cấp 2. “Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là đóng góp tích cực vì hòa bình, vì nhân đạo quốc tế. Việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là minh chứng rõ nét cho trách nhiệm đóng góp của Việt Nam đối với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam thành lập Bệnh viện dã chiến nên có nhiều bỡ ngỡ. Thiếu tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 nhớ lại những ngày đầu “mò mẫm” trong khó khăn, căng thẳng nhất là khâu tuyển chọn nhân sự. “Ban đầu anh em khá hoang mang bởi thông tin về nội chiến ở các nước châu Phi tràn ngập trên internet, cùng với đó là những tiêu chí khắt khe từ Liên hợp quốc, chúng tôi phải sàng lọc hàng trăm người mới xây dựng được bộ khung nhân sự chính”, Thiếu tá Bùi Đức Thành chia sẻ.
Cũng theo Thiếu tá Bùi Đức Thành, tiêu chí lựa chọn nhân sự được chú trọng vào những yếu tố như phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và khó nhất là trình độ ngoại ngữ. Trong giai đoạn đầu, tiếng Anh là trở ngại lớn nhất bởi đa số các bác sỹ, y tá, điều dưỡng và kỹ thuật viên của Việt Nam khá hạn chế về tiếng Anh, trong khi đó Liên hợp quốc đòi hỏi phải đạt chuẩn IELTS 5.5 trở lên.
Do đó, ngay từ ban đầu khi tập trung lực lượng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia, tiếng Anh là môn học được liên tục tăng cường. Song song với đào tạo ngoại ngữ, những chiến sỹ quân y của Bệnh viện dã chiến còn được huấn luyện rất kỹ về chuyên môn, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng ứng phó với những tai nạn bất ngờ. Về chuyên môn, các chiến sỹ quân y không chỉ phải thành thạo chuyên ngành y khoa đơn thuần mà còn phải có khả năng hoạt động quân y trong môi trường dã ngoại khắc nghiệt. Đặc biệt, những đợt huấn luyện dã ngoại kéo dài cả ngày lẫn đêm trong rừng sâu là thử thách, khó khăn đối với cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện dã chiến. “Nhiều kịch bản được các chuyên gia nước ngoài liên tục đặt ra nhằm huấn luyện cho chúng tôi biết cách định vị tọa độ khi lạc hướng, biết tạo ra lửa và tìm nguồn nước, biết nhận dạng thực vật ăn được, biết làm bẫy bắt thú rừng cũng như cách tự thoát ra khi bị bắt hay phục kích, biết phát hiện vị trí có mìn để vượt qua... nhằm đảm bảo sinh tồn trong mọi hoàn cảnh”, Thiếu tá Bùi Đức Thành cho hay.
Các chiến sỹ "mũ nồi xanh" Việt Nam thực hành diễn tập mô phỏng trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN |
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, do đây là lần đầu tiên một đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam ra nước ngoài làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, cũng là lần đầu tiên đưa cả một bệnh viện dã chiến ra hoạt động độc lập ở nước ngoài, chưa có tiền lệ nên công tác chuẩn bị lực lượng, kiểm tra sát hạch được thực hiện vô cùng khắc nghiệt theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Trong gần 4 năm , cả Bộ Quốc phòng lẫn Bệnh viện Quân y 175 và các chiến sỹ quân y của Bệnh viện Dã chiến phải vừa học vừa làm. “Có nhiều quy trình, nhiều yêu cầu khác với các tiêu chuẩn mà Việt Nam đang thực hiện. Nhiều khi huấn luyện xong xuôi nhưng khi sát hạch thì Liên hợp quốc không chấp nhận và phải huấn luyện lại. Trong quá trình sát hạch, có người bị loại, lại phải thay người mới và đào tạo lại từ đầu”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Sẵn sàng lên đường Việc đảm bảo an toàn cho các chiến sỹ quân y Bệnh viện dã chiến khi làm việc ở nước ngoài được Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bệnh viện Quân y 175 đặc biệt quan tâm. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại châu Phi không chỉ là yếu tố khó khăn duy nhất, mà còn cả những hiểm nguy đến từ những tai nạn hay các cuộc tấn công không lường trước của lực lượng đối kháng và các tổ chức phản loạn. Làm sao để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho nhân viên của Bệnh viện dã chiến là điều mà các đồng chí lãnh đạo trăn trở. “Đôi khi chỉ vì đói mà người ta tấn công mình để cướp thực phẩm. Rồi vấn đề dịch bệnh như dịch bệnh Ebola đang bùng phát trở lại chẳng hạn, là những vấn đề mà chúng tôi vô cùng lo lắng”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Từng có 2 tuần khảo sát thực tế tại Nam Sudan – nơi mà Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ trong thời gian 1 năm, Thiếu tá Bùi Đức Thành cho hay, môi trường ở nơi đây vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ thường xuyên trên 40 độ C, có thời điểm nóng trên 53-54 độ C, mùa mưa kéo dài, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, xung đột giữa các phe phái phức tạp…Do vậy, các phương án đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân sự của Bệnh viện dã chiến đều được lãnh đạo Bộ Quốc phòng đặt ra. Toàn bộ trang thiết bị hoạt động, nhu yếu phẩm sinh hoạt của Bệnh viện dã chiến đều được chuẩn bị đầy đủ và vận chuyển sang Nam Sudan.
“Gần 4 năm chuẩn bị với nhiều gian nan thử thách, chúng tôi cũng muốn khẳng định với thế giới rằng lực lượng quân y của Việt Nam rất giỏi, có thể đáp ứng yêu cầu y tế của Liên hợp quốc. Đến thời điểm này, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên đã hoàn thiện biên chế với 73 nhân sự, có từng vị trí công tác rõ ràng và đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ vào tháng 7/2018”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Trong lần cuối cùng kiểm tra công tác chuẩn bị của Bệnh viện Dã chiến vào tháng 5/2018, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, trải qua gần 4 năm chuẩn bị công phu, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn mà Liên hợp quốc đề ra và có thể sẵn sàng lên đường. Đây chính là tiền đề cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đơn vị công binh tiếp theo của Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2020.
Hơn ai hết, 73 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 đang mong ngóng đến ngày lên đường bởi hơn 3 năm dài “nếm mật nằm gai” họ đã chuẩn bị mọi thứ một cách kỹ lưỡng. Với Thượng úy Phan Thị Vân Huyền – kỹ thuật viên của Bệnh viện dã chiến, những băn khoăn, lo lắng ban đầu đã dần nhường chỗ cho sự tự tin và cả niềm vinh dự sau quá trình khổ luyện: “Có lẽ đây là quãng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi, mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ cần Tổ quốc gọi, tôi sẽ lên đường”.
“Đội lên đầu những chiếc mũ nồi xanh mang biểu tượng của hòa bình cùng trái tim mang dòng máu nóng Việt Nam, chúng tôi đang rất háo hức mong chờ và sẵn sàng lên đường sang châu Phi làm nhiệm vụ của một chiến sỹ quân y vì hòa bình thế giới”, Thiếu tá Bùi Đức Thành cho hay.
Bài 2: Tự hào nữ quân y Việt Nam