Tác động của TPP đối với thương mại quốc tế

Những tác động tiềm tàng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với các nước thứ ba không phải thành viên TPP cũng như đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu là khá lớn, đặc biệt sẽ đẩy Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vào thế "phòng thủ" trước TPP và hợp tác với nhau.


Theo báo chí Đức, các điều khoản về mở cửa thị trường, tự do hóa và tiêu chuẩn hóa trong TPP sẽ không áp dụng với các nước thứ ba bên ngoài TPP. Điều này sẽ tạo ra những quy chuẩn thương mại mang tính phân biệt đối xử với các nước ngoài TPP và hậu quả là ảnh hưởng tiêu cực tới giao thương quốc tế. Những nước ngoài TPP này sẽ đứng trước áp lực hoặc tham gia khu vực thương mại tự do TPP hoặc phải chấp nhận các nguyên tắc thương mại mới khi làm ăn với các nước trong TPP. Đây là yếu tố làm cho hệ thống thương mại trong tương lai mất đi tính liên kết và đồng nhất vốn có như hiện nay.

Tổng thống Obama (giữa) bàn thảo về TPP với 11 quốc gia đối tác tại Bộ Nông nghiệp ở Washington ngày 6/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, TPP có sức hấp dẫn đáng kể khi Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines đã thông báo ý định gia nhập. Mặc dù vậy, việc gia nhập TPP không đơn giản với nhiều nước châu Á khi các tiêu chuẩn của TPP được đánh giá là quá cao đối với một số nước. Về lâu dài, TPP còn tạo ra các khuôn khổ mới về chính trị - thương mại có tính "đè lấp" lên nhiều hiệp định thương mại vốn có hoặc đang định hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) hay thậm chí là cả Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). AEC có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 đứng trước nguy cơ bị chia rẽ giữa hai nhóm nước, một là các nước AEC thành viên của TPP và hai là các nước AEC không phải thành viên TPP.

Đối với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng nước này cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng xin gia nhập TPP. Lý do là Trung Quốc không muốn bị thiệt hại quá lớn cũng như phải chịu các rủi ro của trật tự thương mại mới ở châu Á - Thái Bình Dương do TPP tạo ra. Trên thực tế, TPP chưa phải là ưu tiên của Trung Quốc bởi chính sách ngoại thương của nước này còn có nhiều sự lựa chọn bên cạnh TPP, như RCEP, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển và đất liền (OBOR).

Đối với EU, TPP cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với thương mại của các nước trong khối, đặc biệt là xuất khẩu của các nước khu vực này tới Nhật Bản. EU hiểu rằng khi không tham gia một hiệp định thương mại tự do nào thì sẽ không được hưởng lợi từ các nguyên tắc thương mại mới đó. Đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế mà cả vì những lý do địa chính trị ở châu Á. Kinh tế Mỹ được hưởng lợi lớn nhất khi nước này thiết lập được mối quan hệ thương mại tự do với Nhật Bản và Canada. Do đó đối với Mỹ, nhất là với các "nhóm lợi ích" trong ngành công nghiệp và nông nghiệp Mỹ, TPP cần phải sớm trở thành hiện thực để phục vụ các lợi ích này.

Cái giá phải trả của EU khi TPP có hiệu lực không chỉ là sự sụt giảm thị phần mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận thị trường ở châu Á của EU cũng sẽ bị "phân biệt đối xử" hơn. Nếu EU không đàm phán xong sớm Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong khi TPP được triển khai ở châu Á, EU sẽ trở thành đối tác thứ ba kém hấp dẫn hơn với cả Mỹ và Nhật Bản. Do đó, EU buộc phải thúc đẩy TTIP hoặc thúc đẩy thêm một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với riêng Nhật Bản. Điều quan trọng hơn nữa là TPP tạo ra thế hệ FTA mới với các quy định tiến bộ vượt xa các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này dẫn đến khả năng là trong khi cùng ở thế "phòng thủ" trước TPP, EU và Trung Quốc có thể sẽ sớm khởi động và thúc đẩy một FTA song phương.
TTK
Tổng thống Mỹ thúc Quốc hội phê chuẩn TPP vào đầu năm 2016
Tổng thống Mỹ thúc Quốc hội phê chuẩn TPP vào đầu năm 2016

Trong một bước đi nhằm khuyến khích các nước thành viên khác, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Quốc hội nước này phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN