Chiều 3/9, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 do Thành uỷ, UBND TP Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định: Thành phố đã nhận được sự đồng lòng, vào cuộc của nhân dân, tham gia trực tiếp vào phòng chống dịch bệnh, từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực để có được kết quả phòng chống dịch của thành phố như hôm nay. Các "vùng xanh" tăng lên, ca nhiễm trong cộng đồng có tỷ lệ ngày càng giảm, các ổ dịch mới xuất hiện có quy mô lớn, phức tạp đã được kiểm soát, nhất là ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng chỉ rõ, theo đánh giá của ngành y tế, các chuyên gia và nhận định tình hình thực tế cũng như đánh giá của lãnh đạo Trung ương, Hà Nội tuy đang kiểm soát được tình hình dịch, đạt được kết quả nhất định, nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao, trong đó có một số ổ dịch phát sinh có nguy cơ lây nhiễm lớn. Lây nhiễm cũng đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng, lái xe đường dài phía Nam ra Hà Nội, đội ngũ giao hàng, chợ dân sinh…
“Mặc dù rất quyết tâm, quyết liệt nhưng vẫn còn hiện tượng ở một số địa bàn công tác chống dịch còn lơi lỏng, “chặt ngoài, lỏng trong”, còn hiện tượng lây chéo trong khu cách ly… khiến lãnh đạo Trung ương, thành phố và người dân lo lắng. Bên cạnh đó, lượng người ra đường trong thời gian giãn cách vẫn còn rất đông, không đáp ứng được mục tiêu của việc giãn cách, vì vậy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn rất cao”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về tiếp tục thực hiện giãn cách sau thời gian ngày 6/9/2021; giao Ban Cán sự Đảng UBND TP hoàn thiện để ban hành Chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch.
"Trong đó, phân theo 3 vùng, vùng 1 có nguy cơ rất cao tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg, còn lại 2 vùng sẽ áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các phương án cụ thể sẽ được UBND TP thông qua sớm nhất để công bố rộng rãi cho nhân dân biết", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, do đây là việc chưa từng có tiền lệ nên thành phố xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành, hạn chế đến mức tối đa lượng người ra đường. Thành phố đã giao cho Công an chủ trì việc cấp giấy đi đường, trên cơ sở tham khảo các tỉnh, thành khác và căn cứ vào thực tiễn của Thủ đô.
Nhấn mạnh một số mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn; tăng cường đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, nhất là đối với khu vực có nguy cơ cao, có giải pháp phù hợp từng địa bàn, đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tiêm vaccine đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, cấp đến đâu tiêm ngay đến đó.
Hiện tại, năng lực tiêm phòng của Hà Nội vẫn còn dư với khả năng tiêm 200.000 mũi/ngày, nhưng cao điểm hiện nay mới đến 150.000 mũi/ngày.
Thành phố cũng tiếp tục chuẩn bị cao hơn một bước, trước một bước về năng lực thu dung, điều trị, trang thiết bị ngành y tế và đào tạo, củng cố lực lượng y bác sĩ, chủ động đáp ứng diễn biến dịch ở mức cao hơn. Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội bằng nguồn lực của thành phố và xã hội hoá để chăm lo tốt hơn cho người dân, đặc biệt là người dân còn khó khăn.
Ngoài các công việc thường xuyên, thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt hơn, tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch từ thành phố tới tận thôn, tổ dân phố. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý đơn vị chủ quan, lơi lỏng.