Theo đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý (đóng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý rác tại nhiều quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến của châu Âu. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội vào cuối tháng 12/2019, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020; vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án thi công không đảm bảo tiến độ trên.
Ngày 2/3, báo cáo với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, do tình hình dịch COVID-19 xuất hiện tại Hải Dương và Hà Nội trong thời gian qua khiến cho công việc thi công bị ảnh hưởng, do lượng lớn công nhân nghỉ việc.
Cụ thể, ngày 27/1, công trường có một công nhân là F1, của người dân ở Hải Dương nên công nhân rất hoang mang. Đến ngày 28/1, có đến 90% công nhân là người Việt Nam xin nghỉ. Từ chỗ công trường có hàng nghìn công nhân thì đến ngày 28/2, công trường mới có khoảng 287 công nhân đi làm.
Nói về tiến độ thi công, một lần nữa đại diện Công ty khẳng định, trong tháng 5/2021, chắc chắn dự án tiếp nhận được rác để xử lý.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, phía Công ty còn kiến nghị với UBND thành phố và sở ngành liên quan một số vấn đề về: Giải phóng mặt bằng, thi công đường điện 110kv vấn đề hoàn thuế...
Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, với trách nhiệm của mình, nhà đầu tư cần tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ dự án. Bởi khi dự án sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Trên tinh thần đó, ông Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo các sở ngành, chính quyền địa phương liên quan hỗ trợ tối đa để dự án triển khai thi công một cách thuận lợi nhất. Trong đó, phía huyện Sóc Sơn, phối hợp ngay với các sở liên quan bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 3 để thi công đường điện 110kv.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, sau nhiều lần chậm tiến độ vận hành, đề nghị lần này chủ đầu tư tiếp nhận rác đúng theo cam kết. "Sau mốc tháng 5/2021 vận hành 2 mô đun, với các mô đun còn lại chủ đầu tư sẽ vận hành tiếp sau đó khoảng từ 1 đến 2 tháng, chủ đầu tư phải đưa dự án vào vận hành toàn bộ công suất xử lý rác", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày Hà Nội có trung bình khoảng 6.000 tấn rác cần phải xử lý. Hiện nay, phần số khối lượng trên được xử lý theo hướng chôn lấp. Do vậy, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý khi đi vào hoạt động sẽ được kỳ vọng giảm thiểu ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực cũng như mang lại giá trị kinh tế cho nhà đầu tư.
Cũng liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông làm việc với các đơn vị có liên quan về vận hành bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì). Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, bãi rác Xuân Sơn đang tiếp nhận bình quân 1.410 tấn rác/ ngày, nhiều ô chôn lấp đã quá tải. Sở Xây dựng kiến nghị thành phố Hà Nội cho phép thực hiện việc tiếp nhận rác tại ô chôn lấp số 1 khu 5,6 ha Ba Vì trong tháng 3, song song với việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý về môi trường và triển khai hạng mục công tác bổ sung để đảm bảo vận hành.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cơ bản đồng ý với các đề xuất trên của Sở Xây dựng, chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Tuy nhiên, đề nghị các bộ phận liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng để tạo thuận lợi nhưng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực bãi rác.