Cụ thể, giá xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh 16.400 đồng; xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag miễn dịch tự động/bán tự động: 38.500 đồng; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu đơn: 166.800 đồng; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu gộp giá từ 94.300 - 122.500 đồng, tùy vào số lượng mẫu gộp và tại đơn vị lấy mẫu.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội; các trường hợp thực hiện dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (trong đó có người chưa tham gia bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng thực hiện dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả); các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (trừ trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm); các trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 tự nguyện theo yêu cầu, xét nghiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp theo hợp đồng tại các cơ sở y tế công lập.
Cùng ngày 8/12, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố.
Nghị quyết nêu rõ, quy định áp dụng với các đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân; thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo; thành viên hộ cận nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo; đối tượng hưởng chính sách là người đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội...
Theo đó, thành phố hỗ trợ 2.000.000 đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực nông thôn (các xã) và 2.500.000 đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực thành thị (các phường, các thị trấn). Hỗ trợ hằng tháng mức 440.000 đồng/người/tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân. Trường hợp đối tượng thuộc diện được hưởng các mức hỗ trợ, trợ cấp, trợ giúp hằng tháng khác thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Đối với chính sách hỗ trợ về y tế, thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo; thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Về giáo dục, thành phố hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kể cả học sinh tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo. Hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kể cả học sinh tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo.
Mức hỗ trợ học phí theo mức đóng thực tế nhưng tối đa không quá mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học do HĐND thành phố quy định. Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 150.000 đồng/tháng; thời gian hỗ trợ là theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học và không quá 3 năm học kể từ khi thoát nghèo.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua 12 mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố với tổng mức chi dự kiến hơn 775 tỷ đồng/năm. Điển hình như: Chi chế độ hỗ trợ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và công chức phường nghỉ công tác do thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho 25 Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, công chức phường trên địa bàn thành phố nghỉ công tác do thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là 450 triệu đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương của ngân sách địa phương.
Về Quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội: Mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng Đội dân phòng là 30% lương tối thiểu vùng (1.176.000 đồng đối với 24 quận, huyện, thị xã có mức lương tối thiểu vùng I; 1.326.000 đồng đối với 6 huyện có mức lương tối thiểu vùng II). Mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội phó Đội dân phòng là 25% lương tối thiểu vùng (980.000 đồng với 24 quận, huyện, thị xã có mức lương tối thiểu vùng I); 1.105.000 đồng đối với 6 huyện có mức lương tối thiểu vùng II).