Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: "Trong 10 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 196.260 lao động, đạt 118,9 % so với kế hoạch năm, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là 64.485 người, giảm 7.382 người, tương đương giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Sự phục hồi và phát triển thị trường lao động đã có tác động quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, đảm bảo công tác an sinh xã hội”.
Theo ông Nguyễn Tây Nam, huyện Ba Vì có diện tích rộng, dân số đông, địa hình đa dạng, với 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, một xã giữa sông Hồng. Với những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, Ba Vì có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế đa ngành, là nơi có điều kiện để phát triển thị trường lao động. Việc tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo cơ hội kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo; hỗ trợ lực lượng lao động trẻ tiếp cận thị trường, được cung cấp về thông tin thị trường lao động để từ đó học hỏi, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động của thị trường việc làm, thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, trong những năm qua, lãnh đạo huyện Ba Vì đã luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời, có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Nhờ đó, các chỉ tiêu lao động, người có công và xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo.
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024 có sự tham gia của 32 đơn vị, doanh nghiệp, với tổng nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 2.556 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn. Trong đó, số lượng cần tuyển sinh là 470 chỉ tiêu, số lượng lao động cần tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 2.086 chỉ tiêu. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất với 967 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 46,4%. Lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật có 785 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 37,6%. Nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên là 334 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 16%.
Tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì, mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên chiếm 21,3% tổng số chỉ tiêu, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Chiếm tỷ lệ lớn nhất (34,1%) là các chỉ tiêu lao động có mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng, dành cho các vị trí việc làm nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên chăm sóc khách hàng, các vị trí yêu cầu có tay nghề…
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Tạ Thị Hằng, trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần sản xuất Havitech cho biết, công ty đang liên tục đầu tư máy móc và hàng năm có nhu cầu giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động. Đơn vị tiếp tục tuyển dụng lao động cho thời điểm cuối năm và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong vùng.
Trong khuôn khổ chương trình, cùng với các hoạt động tuyển dụng, tuyển sinh, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã tổ chức hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đông đảo học sinh, sinh viên, qua đó, giúp các em biết được xu hướng ngành nghề xã hội đang cần, lựa chọn các ngành nghề để có kế hoạch học tập, rèn luyện kỹ năng, bổ sung kiến thức phù hợp.
Chị Lê Thu Minh (xã Đông Quan, Ba Vì) tranh thủ ngày nghỉ đến với phiên giao dịch việc làm, để tìm kiếm việc làm sau 3 tháng nghỉ việc, lĩnh bảo hiểm thất nghiệp. “Tại phiên giao dịch, tôi có tham khảo tại một số đơn vị và sẽ cân nhắc điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi mới quyết định chỗ làm mới vào dịp cuối năm nay”, chị Lê Thu Minh cho biết.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Từ nay đến cuối năm, trước nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp có xu hướng tăng, bên cạnh các phiên giao dịch việc làm thường niên, đơn vị sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, kết nối với các tỉnh thành và các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho những người đã từng đi xuất khẩu lao động, phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật…