Theo đó, 19 quận, huyện, thị xã gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà và Tây Hồ.
Trước đó vào chiều 15/9, theo văn bản hỏa tốc của UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã được phép hoạt động một số cơ sở kinh doanh, gồm: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR Code bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa 15/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.856 ca COVID-19, trong đó 1.596 ca ngoài cộng đồng và 2.260 người đã được cách ly. Thành phố hiện có 7 chùm ca bệnh, 97 điểm phong tỏa.
Về tiêm chủng, từ 18 giờ ngày 14/9 đến 12 giờ trưa 15/9, Hà Nội đã tiêm được 92.765 mũi vaccine COVID-19. Cộng dồn qua 16 đợt tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 5.054.473 mũi, sử dụng 4.616.062/5.359.676 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 86,1% trên tổng số vaccine được cấp.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, ngay cả khi thành phố xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15 và 21/9 thì người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.