Chiều 6/4, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo đối với công trình đang xây dựng tại khu đất số 61 (lô G1) phố Trần Phú (quận Ba Đình).
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về thường trực Thành ủy trước ngày 8/4.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội và Quận ủy Ba Đình kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4.
Trước đó tại số 61 phố Trần Phú (cách Quảng trường Ba Đình của Thủ đô Hà Nội chỉ vài trăm mét), giàn giáo và lưới xanh được quây xung quanh một toà nhà cổ từ thời Pháp, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20; phía bên trong, phần mái nhà và nhiều công trình đang được phá dỡ. Khuôn viên khu đất có những dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt tiền phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bê tông cốt thép độc đáo ở giữa.
Video và chùm ảnh ghi nhận tại số 61 Lê Trực, Hà Nội:
Tòa nhà Pháp cổ nằm trên khu đất "kim cương" 4 mặt phố Nguyễn Thái Học - Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) đang được phá bỏ để xây dựng dự án mới.
Các tòa nhà bên trong có kiến trúc độc đáo đầu thế kỷ XX, mang phong cách Pháp.
Trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ.
Tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19/5/1967. Hiện tại số phận bức phù điêu này chưa biết ra sao.
Nhiều hạng mục của toà nhà Pháp cổ này đã bị phá dỡ.
Mốc giới của toà nhà do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phân định.
Khu đất số 61 (lô G1) phố Trần Phú (quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện quản lý, sử dụng.
Đây là một phần còn lại của tòa nhà Pháp cổ nhìn từ đường Hùng Vương.
Phần mái của toà nhà đã bị tháo dỡ.
Theo dự kiến, nơi đây sẽ xây tòa nhà với 11 tầng nổi, 6 tầng hầm.
Vị trí toà nhà cũng rất gần với trung tâm chính trị Ba Đình.
Lô đất của toà nhà Pháp cổ này đang được Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng xây dựng công trình này từ chiều 6/4/2022.
Về hiện trạng khu đất này, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khu đất số 61 (lô G1) phố Trần Phú (quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Chủ đầu tư) quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND TP Hà Nội.
Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078 m2, trong đó 1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523 m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ, sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm (tính từ năm 2017).
Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện.
Đối với bức phù điêu "Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ" nằm trên bức tường phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND TP giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tổ chức xem xét đánh giá giá trị để đề xuất phương án bảo tồn nếu cần thiết. Có thể phối hợp với chủ đầu tư để đặt tại vị trí phù hợp trong phạm vi khuôn viên dự án.