Việc công ai bán, ai mua?

Cuối cùng thì chuyện chạy biên chế tốn cả trăm triệu đồng cũng được ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội cho biết tại phiên thảo luận sáng ngày 7/12 của HĐND TP Hà Nội. Ông Dực còn chỉ rõ địa chỉ chạy công chức là ở chỗ trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện.


Đây là lần đầu tiên một người có trách nhiệm chính thức xác nhận tệ nạn tiêu cực này. Chỉ có điều thực tế chuyện chạy biên chế, chạy việc, xin việc, mua việc đã diễn ra từ lâu, ai cũng nghe, cũng biết nhưng để chỉ đích danh địa chỉ, đối tượng mua bán thì không hoặc chưa ai chỉ ra. Chính vì nó không được vạch mặt, chỉ tên nên nó vẫn tồn tại dai dẳng như một vấn nạn; là “cơ hội” với những người trình độ năng lực yếu kém muốn trở thành “công chức bàn giấy” nhưng lại là sự bất công với sinh viên, người có năng lực nhưng không có tiền để “chạy” việc.


Chuyện học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đi tìm việc làm với biết bao nỗi khó khăn đã không chỉ là nỗi ám ảnh với chính bản thân họ mà còn trở thành gánh nặng thật sự đối với nhiều gia đình; nhất là những gia đình nông dân nghèo. Rất nhiều người sau khi được đào tạo hệ chính qui, dài hạn tại các trường đại học nhưng ra trường không thể tìm được việc làm, có người phải làm trái ngành nghề đào tạo, thậm chí làm công nhân; không ít người phải chạy vạy nhiều cửa, tìm kiếm nhiều năm mà vẫn chỉ nhận được một câu: “chờ”. Không tìm được việc làm, đợi chờ mòn mỏi, sợ kiến thức rơi rớt đã khiến nhiều sinh viên cũng như gia đình họ phải năng động đi “xin việc”. Và trong rất nhiều trường hợp thì “xin việc” đã biến thành “mua việc” với cái giá “cắt cổ” như ông Trần Trọng Dực nêu ra.


Tình trạng “mua việc” này thường xảy ra ở một số cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện và cũng có khi là ở một doanh nghiệp nhà nước nào đó. Không thể biết đích xác ai là người “bán việc”, nhưng rất nhiều chỗ làm nếu không có tiền thì đành chờ vô thời hạn. Vì thế nhiều người đặt vấn đề rằng, phải chăng những người có thẩm quyền ký các quyết định về nhân sự không biết gì về các vụ “mua bán” vừa trái pháp luật vừa vô đạo đức kia; mà những “thương vụ” đó là do một bọn cò mồi tạo ra một “thị trường” để chúng qua mặt người có thẩm quyền nhằm nhũng nhiễu, trục lợi. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu người có thẩm quyền biết việc đó nhưng làm ngơ, thậm chí đồng lõa với bọn “cò việc” để thu lợi bất chính, thì tình hình rất nghiêm trọng. Nó không những làm đảo lộn các giá trị của giáo dục và đào tạo mà còn làm băng hoại đạo đức xã hội; là cái nôi nuôi dưỡng tham nhũng, gieo rắc vào suy nghĩ của nhiều cán bộ, công chức nhà nước trẻ những động cơ không lành mạnh; và tất yếu sẽ dẫn đến hành vi tiêu cực sau này đối với không ít người đã phải bỏ tiền ra “mua việc” nhằm thu hồi vốn để trả nợ. Và như vậy đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng làm giảm sức mạnh của cơ quan công quyền.


Có một thực tế là, trong khi nhiều sinh viên sau khi ra trường tìm việc làm ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân thì dễ dàng hơn. Họ hoặc là được nhận vào làm việc sau một cuộc sát hạch hoặc thi tuyển công khai, nên không phải mất bất cứ khoản tiền nào ngoại trừ tiền mua bộ hồ sơ xin việc. Đây có thể được xem là một kinh nghiệm quí báu trong công tác tuyển dụng nhằm tránh những kẽ hở cho bọn cò mồi “đục nước béo cò”. Đã có nhiều cơ quan ở Trung ương tuyển nhân viên theo phương thức này và đạt kết quả tốt - tốt cho việc đáp ứng đòi hỏi của công việc và tốt cho người có nhu cầu tìm việc làm.


Song le, không phải tất cả các cơ quan đều tuyển nhân viên theo cách công khai minh bạch như vậy, cho nên vẫn còn tồn tại tình trạng mua việc. Đã có nhiều gia đình nghèo tập trung tất cả khả năng kinh tế cho con học xong đại học, nhưng khi học xong không có tiền “chạy” việc nên việc học để có một tấm bằng đại học không mang lại ý nghĩa thiết thực nào. Không những thế, việc không “mua” được việc làm còn khiến cho gia đình đã nghèo lại càng nghèo thêm.


Mới đây, trước thông tin “chạy biên chế ở Hà Nội trăm triệu” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thanh tra kiểm tra không để tình trạng đó tồn tại đã mang lại một niềm hy vọng lớn lao rằng, các đối tượng cò việc, bán việc sẽ được chỉ đích danh và bị xử lý theo đúng pháp luật, và như vậy cái “thị trường ngầm” mua bán việc sẽ triệt tiêu; lập lại sự công bằng cho người lao động và kỷ cương cho Nhà nước.



Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN