Vỉa hè Hà Nội, biết rồi...

Chuyện chất lượng vỉa hè Hà Nội lại rộn lên với câu chuyện Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đi kiểm tra tuyến đường “đắt nhất hành tinh” - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, sau đó yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cá nhân liên quan, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án phải xới hè lên làm lại.


Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra rằng, công trình thi công quá ẩu, sử dụng gạch dễ vỡ, chất lượng vật liệu kém, mau hỏng, nhiều viên gạch lát chỉ dùng thanh sắt bậy nhẹ lên đã vỡ làm nhiều mảnh..., gây lãng phí, tốn kém cho kinh phí, ngân sách của thành phố. Không chỉ sử dụng vật liệu kém chất lượng, phần bó vỉa dọc tuyến phố nhiều đoạn thiết kế cao so với mặt đường, không hạ cốt mở lối cho người dân đi lại, dắt xe lên hè. Chính vì vậy, người dân ở đây buộc phải đặt cầu dẫn bằng sắt, bê tông để đi lại.


Đó chỉ là một tuyến phố mà người lãnh đạo cao nhất của thành phố thị sát. Thực tế, không chỉ vỉa hè ở tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, mà hầu hết vỉa hè ở các tuyến phố của Thủ đô đều trong tình trạng nham nhở, liên tục bị đào bới. “Ông” giao thông vừa rút, lại đến “ông” viễn thông, “ông” Điện lực cày xới... Vỉa hè Hà Nội luôn trong tình trạng đào - lấp, lấp - đào. Không chỉ ở những vỉa hè cũ được cải tạo lại, mà ngay cả những vỉa hè vừa được hoàn thành cũng bị bong tróc, khập khễnh, sụt lún..., không chỉ gây ô nhiễm môi trường, gây ùn tắc giao thông, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.


Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, đã có 167 trường hợp đào hè, lòng đường vi phạm bị xử lý. Lỗi chủ yếu mà các chủ đầu tư và các nhà thầu thường mắc, là không tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không trang bị đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, thi công không đúng giấy phép được cấp, không có người gác thường xuyên để hướng dẫn giao thông và địa điểm tập kết vật liệu xây dựng, không hoàn trả mặt đường bảo đảm chất lượng...


Có thể thống kê rất nhiều nguyên nhân khiến vỉa hè Hà Nội nhanh xuống cấp, nhưng tựu chung là do sử dụng vật liệu không đạt chuẩn, làm vội làm ẩu, thiếu sự thống nhất trong công tác quản lý, kiểm tra giám sát thi công, chủ đầu tư dự án phó thác mọi việc cho tư vấn. Phần lớn đơn vị sau khi trúng thầu đã thuê lao động phổ thông, không có năng lực và kinh nghiệm thi công. Nhiều đơn vị thi công bớt xén công đoạn nhằm giảm chi phí, không xử lý cốt nền kiên cố, mà “nhồi” xi măng, cát sỏi thi công cho nhanh.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, không quy định rõ trách nhiệm trong các khâu đầu tư - xây dựng, cải tạo - sửa chữa, khai thác - sử dụng. Chưa hết, hầu hết các tuyến phố, mỗi đoạn hè lại sử dụng một loại gạch khác nhau. Phần vì do nhiều tuyến phố, dự án lát vỉa hè được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đơn vị thi công lại sử dụng một loại gạch. Phần vì do nhiều cơ quan, nhà hàng, hộ gia đình... tự ý cậy phần gạch lát hè lên để thay thế bằng loại gạch khác theo ý muốn. Không ít trường hợp, vì đơn vị thi công quá cẩu thả khiến vỉa hè vừa lát xong đã bị kênh, vỡ... khiến người dân phải tự bỏ tiền ra lát lại.


Vẫn biết, mục tiêu cải tạo vỉa hè là để tạo ra cảnh quan đẹp hơn cho bộ mặt đô thị. Nhưng với cung cách quản lý và thực trạng của vỉa hè Hà Nội hiện nay, thì đẹp đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy lộn xộn, bụi bặm, ô nhiễm, làm mất mỹ quan thành phố.


Trở lại vấn đề chất lượng vỉa hè của tuyến phố “đắt nhất hành tinh”, vị Bí thư Thành ủy đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ dự án, từ khâu phê duyệt, thiết kế, tổ chức thi công, nghiệm thu công trình, từ đó có hình thức xử lý trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân có sai phạm; đồng thời, rà soát lại toàn bộ các dự án chuẩn bị đầu tư, không để xảy ra tình trạng tương tự. Dư luận đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, dư luận cũng đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần quan tâm giải quyết vụ việc tới cùng, tránh “đầu voi đuôi chuột”.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN