Ngày 30/9, xe khách giường nằm biển số 50F-004.83 của nhà xe Thành Bưởi lấn làn, đâm trực diện vào xe khách 16 chỗ biển số 86B-015.75 đi ngược chiều. Hậu quả, 5 người trên xe 16 chỗ chết (bao gồm tài xế), 4 người còn lại bị thương nặng. Dữ liệu được truy xuất cho thấy trong 9 tháng, nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu 246 lần còn chiếc xe gây tai nạn đã bị thu hồi phù hiệu ba lần trong năm 2023.
Khi chưa hết bàng hoàng bởi vụ tai nạn giao thông thảm khốc nêu trên, dư luận lại sửng sốt trước thông tin nhà xe Việt Thắng ở Quảng Ngãi từng vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần/tháng. Trao đổi với báo chí vào trưa 2/10, ông Võ Phiến, phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, cho biết vì vi phạm này, nhà xe Việt Thắng từng bị tước phù hiệu.
Điều đáng nói là việc vi phạm tốc độ, bị tước phù hiệu không chỉ xảy ra với nhà xe Thành Bưởi và nhà xe Việt Thắng. Nhiều nhà xe khác cũng trong tình trạng tương tự, nhưng những chiếc xe của họ, nói một cách dân dã là những chiếc “quan tài bay” hay “hung thần xa lộ” vẫn lao vun vút trên đường, đe doạ tính mạng của hành khách đi xe cũng như người và phương tiện tham gia giao thông.
Phương tiện được phép kinh doanh vận tải hành khách phải có phù hiệu, ấy là quy định trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (dưới đây gọi tắt là “Nghị định 10”). Nhưng phù hiệu bị tước rồi nhanh chóng có được phù hiệu mới để xe tiếp tục hoạt động, lại là chuyện không có gì lạ trong giới kinh doanh vận tải. Căn nguyên nằm ở “lỗ hổng” ngay trong Nghị định 10.
Theo khoản 10b, điều 22 (quy định về quản lý sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu, biển hiệu) của Nghị định 10, khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phát hiện phương tiện có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống) thì sẽ thu hồi phù hiệu của phương tiện. Tuy nhiên, Nghị định 10 lại không quy định về thời gian thu hồi phù hiệu mà chỉ quy định Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định (khoản 5b, điều 22). Điều đó có nghĩa mọi việc suôn sẻ, “về nguyên tắc”, chiếc xe bị tước phù hiệu chỉ phải nằm bãi vài ngày chờ có phù hiệu mới là lại lên đường tung hoành. Xử lý như vậy rõ ràng không đủ sức răn đe! Ở đây cần thiết phải bổ sung quy định về thời gian (ngắn dài) tước phù hiệu, kéo dài thời gian cấp mới phù hiệu với xe vi phạm và chế tài phạt (nặng nhẹ) đối với chủ xe tuỳ theo số lần vi phạm tốc độ.
Một vấn đề nữa là qua dữ liệu giám sát hành trình, xe kinh doanh vận tải nào vi phạm tốc độ bao nhiêu lần một tháng đều hiện rõ, nhưng dữ liệu này không thể dùng để phạt nguội.
Thứ nhất, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ quy định phạt lỗi đối với ô tô chạy quá tốc độ từ 5 km/h trở lên, trong khi xe ô tô kinh doanh vận tải chỉ cần nhích tốc độ quá 1 km so với quy định, thiết bị giám sát hành trình lập tức ghi nhận vi phạm tốc độ. Vì thế, cần áp dụng công nghệ để có dữ liệu vi phạm tốc độ rõ ràng, cụ thể hơn làm cơ sở cho việc xử lý. Quan trọng hơn, thay vì cả tháng đơn vị kinh doanh vận tải mới nhận thông tin vi phạm tốc độ từ Sở Giao thông Vận tải như hiện nay, thiết bị giám sát hành trình cần phát cảnh báo theo thời gian thực với lái xe mỗi khi vượt quá tốc độ để lái xe điều chỉnh hành vi ngay, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn.
Thứ hai, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên ô tô kinh doanh vận tải đương nhiên phải hợp quy chuẩn, nhưng lại chưa được kiểm định định kỳ. Trong khi đó, theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận dữ liệu làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính không chỉ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, mà còn phải được kiểm định định kỳ. Do đó, cần phải đồng bộ hoá quy định về thiết bị giám sát hành trình trong Nghị định 10 với quy định về phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận dữ liệu làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định 135, đảm bảo cho phép sử dụng dữ liệu giám sát hành trình làm cơ sở phạt nguội.
Đơn vị kinh doanh vận tải thường phải đầu tư lớn, nếu bị tước phù hiệu trong thời gian dài hay liên tục bị phạt lỗi quá tốc độ, chắc chắn sẽ phải cân nhắc. Trong trường hợp không lấy việc tuân thủ pháp luật làm trọng, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ phải đối mặt với nguy cơ doanh thu không đủ nộp phạt. Từ đó, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ phải đưa ra quy định chặt chẽ hơn, buộc lái xe phải tuân thủ, thay vì cách làm kiểu khoán tuyến cộng khoán giờ chạy của một số nhà xe hiện nay, gây sức ép rất lớn lên lái xe.
Với lái xe, ngoài việc phải có đạo đức của một công dân, cũng cần tuân theo đạo đức nghề nghiệp của mình, thể hiện ở việc tôn trọng pháp luật, cụ thể là Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, lái xe còn phải thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng với hành khách thông qua vé xe. Hành khách bỏ tiền ra mua vé để đi xe thì người lái xe phải có trách nhiệm đưa hành khách đi đến nơi, về đến chốn với thái độ văn minh, lịch sự và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn cho họ.