Những cây rừng có đường kính lớn bị lâm tặc chặt hạ trong vụ phá rừng ở An Lão, Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Nếu tính từ mảnh đất miền Trung, thì ngoài vụ phá rừng An Lão, Bình Định, không khó để liệt kê cả loạt vụ xâm hại thiên nhiên đình đám khác xảy ra trong thời gian gần vừa qua: vụ xâm hại rừng trái phép ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; vụ phá rừng phòng hộ ở Tiên Phước, Quảng Nam; vụ phá rừng phòng hộ ở Ba Tơ, Quảng Ngãi; vụ băm nát đồi núi để khai thác khoáng sản tại Nha Trang, vụ lấn biển cũng tại Vịnh Nha Trang để xây resort hay tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Ba - Phú Yên…
Khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng không hề “thua kém” với tốc độ dày đặc các vụ xâm hại rừng, khi mà chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, chỉ riêng ở Đắk Lắk đã xảy ra 709 vụ phá rừng lớn nhỏ; và vô số vô số các vụ khai thác cát trái phép trên các dòng sông từ Bắc chí Nam hay những dự án lấn biển để xây đảo, đổ thải. Ngay tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hồ đẹp ao sâu và các khu “đất vàng” “đất bạc” đều bị rình rập để trở thành những miếng mồi béo bở của các nhà đầu tư “có đầu óc”…
Trên thế giới, chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ, phục vụ cho mục tiêu mang tính sống còn của đất nước hoặc cực kỳ quan trọng thì họ mới lấn biển, lấp sông, bạt núi, phá rừng. Một số nước như Singgapore, Hà Lan… đành phải lấn biển để mở mang bờ cõi do diện tích tự nhiên bé nhỏ. Còn ở ta thì ngược lại, bởi mặc nhiên có sẵn “rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”, nên cũng mặc nhiên ngược đãi thiên nhiên! Tất cả chỉ vì một chữ “lợi”. Cái lợi của cá nhân và sự “sống còn” của túi tiền!
Nhưng thiên nhiên chỉ là hữu hạn, còn lòng tham thì vô hạn. Đây chính là nguyên nhân nguy hiểm khiến cho thiên nhiên ngày càng bị tàn phá. Và con người thì cũng ngày càng phải đối diện với các hậu họa do chính mình gây ra, mà nhãn tiền là tình trạng biến đổi khí hậu với vô vàn hệ lụy nan giải đang diễn ra ở tất cả các vùng miền. Chúng ta đang phải chịu cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt, môi trường khắp nơi bị ô nhiễm trầm trọng, cuộc sống và sức khỏe của người dân thì bị đe dọa nghiêm trọng...
Tuy nhiên, giờ đây không còn là lúc chúng ta điềm tĩnh ngồi với nhau để bàn thảo về hậu họa vì hậu họa đã rõ hình hài. Cũng không phải là thời kêu gọi cái tâm và sự tự giác với thiên nhiên, vì thời gian đã chứng minh điều này là viển vông. Đây dứt khoát phải là lúc chúng ta thực hiện những hành động quyết liệt, nếu không muốn tiếp tục có tội với thiên nhiên và với chính con người.
Tại sao tình trạng ngược đãi thiên nhiên lại diễn ra bền bỉ và triền miên, với mức độ ngày càng táo tợn? Các hành động phá rừng, san núi, nạo sông lấp biển… chắc chắn không thể che giấu vì được thực hiện trên quy mô rộng với nhiều loại phượng tiện, nhưng tại sao không bị ngăn cản? Tại sao hầu hết các vụ việc là do dư luận và công luận phát hiện, tố giác, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở đâu, làm gì? Các hành động vi phạm này ngang nhiên diễn ra có phải do được “chống lưng”, dung túng, bắt tay vì quyền lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm không?...
Và sau cùng, có lẽ câu hỏi quan trọng nhất là: Sau khi phát hiện các vụ việc, chúng ta đã xử lý dứt khoát, nghiêm minh, quy rõ trách nhiệm, đúng người đúng tội, đủ để răn đe hay chưa? Sở dĩ chúng tôi coi đây là câu hỏi quan trọng nhất trong thời điểm này vì đã có nhiều vụ việc được phát hiện nhưng khâu xử lý còn bùng nhùng hoặc xử phạt chưa thỏa đáng, dẫn đến hiện tượng “nhờn thuốc”.
Quay trở lại vụ phá rừng ở An Lão, Bình Định, đây là ví dụ điển hình. Mức độ vụ việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phải có ý kiến chỉ đạo giải quyết, nhưng đến thời điểm này các cấp triển khai phía dưới vẫn "nhùng nhằng", né tránh trong việc xử lý trách nhiệm!
Chỉ khi giải đáp và giải quyết được hàng loạt câu hỏi mà người dân đang đau đáu chờ đợi câu trả lời này thì may ra rừng núi mới được ngủ yên, biển bạc đồng xanh mới được an nhiên và con người mới không phải đối mặt với hàng loạt hiểm họa một cách triền miên, như hiện nay!