Điều đó đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm sạt lở bờ sông, nuốt chửng nhiều khu đất bãi bờ xôi ruộng mật, có nơi đe dọa cả đê điều, vườn tược và nhà cửa của người dân và những công trình xây dựng. Nhiều nơi đã xảy ra xô xát giữa người dân địa phương bị ảnh hưởng với các nhóm “cát tặc” và đỉnh điểm là việc thế lực “xã hội đen” gửi tin nhắn đe dọa cả Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh sau khi tỉnh này đề nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải dừng dự án khai thác cát, nạo vét luồng lạch tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu (do Cục đường thủy nội địa cấp phép).
Ghe khai thác cát trái phép ở gần bờ sông Cái đoạn qua huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Hóa ra, câu chuyện không “nhỏ như hạt cát” mà nhiều người vẫn lầm tưởng.
Thậm chí, nó còn lớn đến mức đích thân Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải dừng toàn bộ việc nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, đồng thời không cấp phép mới các dự án. Việc “nạo vét sông”, mà thực chất là khai thác cát trá hình bị tạm dừng, nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục bị đẩy bị tới theo xu hướng cực đoan hơn. Một trong những sự việc điển hình là ngay sau đó, giá cát trên thị trường ở một số nơi tăng đến chóng mặt.
Điều đó không những ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án xây dựng mà còn gây rối loạn thị trường, gây hoang mang trong xã hội. Điều đáng nói ở đây là một số phương tiện thông tin đại chúng không biết vô tình hay cố ý lại có xu hướng khuếch đại vấn đề này khi chỉ thông tin về những điểm giá cát tăng vọt, trong khi không phải toàn bộ thị trường đều tăng với mức đó.
Giá cả phản ánh quan hệ cung - cầu. Việc dừng nạo vét lòng sông tác động đến giá cát là điều đương nhiên. Nhưng việc có nơi, có lúc giá cát bị đẩy lên gấp 2 đến 2,5 lần lại là điều không bình thường. Nhiều người cho rằng ở đây đã diễn ra tình trạng “làm giá”, té nước theo mưa, có sự đầu cơ tăng giá thao túng thị trường trục lợi; và không loại trừ có cả động cơ gây sức ép lên lệnh dừng khai thác cát.
Đến đây, câu chuyện hạt cát không còn là nhỏ nữa.
Vấn đề không dừng lại ở những hiểm họa đối với bờ sông, ruộng vườn, đê điều, liên quan đến môi trường sinh thái. Vấn đề cũng không chỉ còn là sự thất thu ngân sách mà nó phản ánh một khía cạnh không kém phần nghiêm trọng, đó là công tác và bộ máy quản lý.
Hiện nay, các tuyến sông có rất nhiều cơ quan quản lý, việc nạo vét lòng sông thuộc Bộ Giao thông Vận tải, quản lý tài nguyên là Bộ Tài nguyên và Môi trường, quản lý nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn khi nạo vét sông thì các doanh nghiệp lại lợi dụng để khai thác cát…
Tại sao lại có chuyện, cùng một lòng sông mà Bộ Giao thông Vận tải thì quản lý 80 m lòng sông cộng với 20 m gần hành lang, phần còn lại thì do địa phương quản lý? Cùng một lòng sông mà Bộ thì cấp phép “nạo vét khơi thông luồng lạch” mà thực chất là khai thác cát trá hình, còn địa phương thì cấp phép khai thác mỏ cát? Với cách “chia phần” như thế, liệu có thể quản lý được khi mà con tàu nổi trên mặt nước nằm ở thủy phận của Bộ nhưng cái vòi thả xuống hút cát ở đâu thì có lẽ chỉ… Hà Bá mới biết?
Với cách quản lý như thế thì làm sao tránh được cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, khi mà Bộ thì thả sức cho “nạo vét” để rồi địa phương lại nai lưng ra kè bờ chống sạt lở? Với cách quản lý “chồng lấn” như thế thì khi hậu quả xảy ra, liệu có tránh được cảnh Bộ đổ cho tỉnh, tỉnh đổ cho Bộ và cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm? Cũng với cách quản lý như thế thì liệu có thể ngăn được cuộc chạy đua hút cát một cách vô tội vạ, hủy hoại môi trường sinh thái và chả mấy chốc mà nguồn tài nguyên cạn kiệt?
Một tàu hút đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Bất cứ ai cũng không khó tìm ra câu trả lời.
Nhưng, một câu hỏi khác được đặt ra là: Cái cung cách quản lý “không giống ai” ấy liệu có phải chỉ do trình độ, năng lực cán bộ hay còn bởi những lý do nào khác, không loại trừ cả việc liệu có cái gọi là “lợi ích nhóm” ở đây hay không???
Sở dĩ dư luận đặt câu hỏi này là bởi vì, vấn nạn “cát tặc”, tình trạng khai thác cát trái phép gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đến an toàn đê điều và cuộc sống của người dân hai bên bờ sông đã được dư luận phản ánh, người dân và chính quyền địa phương kêu cứu từ rất lâu nhưng sự việc không những không được giải quyết mà còn ngày càng trầm trọng hơn. Trầm trọng đến mức, có hẳn một dự án xã hội hóa “độc quyền nạo vét” cả một dòng sông được đưa ra. Trầm trọng đến mức, không phải chỉ người dân mà ngay cả người đứng đầu chính quyền một tỉnh phải cầu cứu Thủ tướng khi chính mình cũng bị đe dọa.
Đến đây thì vấn đề không dừng lại ở hạt cát nữa rồi.
Phải chăng nguồn lợi ở đây quá lớn, quá hấp dẫn nên nó đã tạo nên sức hút ghê gớm của kim tiền, nên nó cứ bị chìm mãi dưới… đáy sông, chìm cho đến tận khi đích thân Thủ tướng có lệnh mới dừng lại. Và khi đó, mới chỉ khơi khơi trên bề mặt đã lộ ra không ít chuyện vốn trước nay vẫn… chìm dưới đáy sông.
Có người nói rằng: Lòng sông còn có đáy, nhưng lòng tham của con người thì không đáy. Cát nhiều thật đấy nhưng không phải là vô hạn. Nhất là trong những năm gần đây, khi các dòng sông càng ngày càng bị chặn lại nhiều tầng nấc từ thượng lưu để làm thủy điện thì tất yếu nguồn tài nguyên quý giá này ở nước ta sẽ cạn kiệt rất nhanh. Vì vậy, nếu không có quy hoạch tổng thể và kế hoạch khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, trong thời gian không xa, chúng ta sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiếu cát.
Mới chỉ có lệnh dừng, thực chất là tạm dừng cấp phép thôi mà thị trường cát đã nóng lên như thế thì không khó hình dung khi chúng ta lâm vào cuộc khủng hoảng cát, nhất là với một đất nước đang phát triển, nhu cầu xây dựng cao như Việt Nam. Thậm chí, có nhà khoa học còn cảnh báo: “Cát là một phần lãnh thổ của quốc gia, mất cát tức là lãnh thổ quốc gia đang thu hẹp dần".
Vì vậy, trong một bài báo mới đây trên VNExpress, các chuyên gia cho rằng “Việt Nam cần đánh giá tổng thể trên tất cả dòng sông khắp đất nước, chứ không riêng rẽ của địa phương nào, rồi mới tính đến việc khai thác thế nào để không gây ảnh hưởng và làm mất đi tài nguyên quý”.
Còn dư luận đòi hỏi rằng, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách khoa học, khả thi, cần làm rõ có hay không những vi phạm trong quản lý và khai thác cát thời gian vừa qua; nếu có thì cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và xử lý nghiêm minh. Có như thế mới có thể bảo vệ được nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô hạn này.