Ngày 23/12/2011, UBND TP Hà Nội đã quyết định giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý cả lòng đường lẫn vỉa hè của 3 tuyến đường vành đai, 61 tuyến phố của 10 quận nội thành và huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì. UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây lập quy hoạch, danh mục các điểm, bãi đỗ xe tạm trên tuyến vỉa hè được phép để Sở thẩm định, báo cáo thành phố xem xét.
Đây là một quyết định hết sức cần thiết bởi vì những năm qua, khi được giao quản lý vỉa hè và lòng đường thì nhiều quận, huyện đã buông lỏng trách nhiệm. Nhiều nơi vì lợi ích cục bộ trước mắt đã cho thuê vỉa hè làm nơi trông xe, bán hàng, vừa gây lộn xộn, mất mỹ quan, đồng thời góp phần vào sự gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông. Hệ quả của việc phân quyền quản lý hè phố cho các quận, huyện, phường, xã, vỉa hè từ nhiều năm qua là ở hầu hết các tuyến phố đều được “phân lô” cho thuê làm nơi buôn bán, trông giữ xe. Tại hàng chục tuyến phố được gắn biển "tuyến phố văn minh" cũng bị bãi trông xe, hàng quán chiếm dụng. Người đi bộ thậm chí không còn chỗ len chân trên vỉa hè...
Nhìn lại, tại 7 quận nội thành Hà Nội với hơn 4.500 điểm vỉa hè bị lấn chiếm kinh doanh, thì thấy rằng, dường như vỉa hè đã bị “chuyển đổi công năng”, từ chỗ dành cho người đi bộ, là bộ mặt của đô thị đã biến thành quán ăn nhậu, nơi trông giữ xe, buôn bán hàng hóa... Có những dãy phố toàn bộ vỉa hè đã biến thành một khu ăn nhậu, từ sáng tới đêm khuya. Những quán nhậu, phố nhậu này đã làm cho hè phố mất vệ sinh, cư dân bị ảnh hưởng trong đời sống thường ngày, đường phố kém văn minh; và tất nhiên còn làm mất trật tự, mất văn hóa ngay cả với những “Khu phố văn hóa” nữa.
Đó là những việc ai cũng nhìn thấy, ai cũng hiểu được những hệ lụy của nó; song le nó vẫn tồn tại; bởi như Thượng tá Cao Thắng, Phó Chánh văn phòng Công an Hà Nội, đã đặt câu hỏi: “Còn nhiều vụ vi phạm mà UBND quận không ra quyết định xử phạt, không rõ còn vướng ở điểm gì?". Tại 7 quận nội thành, lãnh đạo một số quận đã nhận trách nhiệm xử lý thiếu kiên quyết. Cụ thể là các ngành chức năng đã đề xuất UBND quận phạt gần 100 điểm vi phạm, mỗi điểm 25 triệu đồng, nhưng việc ra quyết định xử phạt vẫn chưa được thực hiện. Ngay cả việc xử lý vi phạm trông giữ xe được Công an TP làm kiên quyết thì ở 10 quận nội thành lại khá chậm chạp.
Việc cho thuê vỉa hè đã vô tình hợp thức hóa việc chiếm dụng vỉa hè, biến công trình công cộng làm nơi sinh lời cho một số người, gây ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng. Tình trạng các quận, huyện thiếu mặn mà trong việc xử phạt cũng là một biểu hiện “bảo vệ khách hàng” mà thôi. Việc cho thuê vỉa hè cũng sinh ra chuyện vỉa hè ở phường này, quận nọ, được sử dụng theo ý chí chủ quan của địa phương cho nên không tránh khỏi có lúc bị sử dụng sai mục đích vì lợi nhuận.
Việc giao vỉa hè, lòng đường cho ngành giao thông quản lý là trả về cho đúng ngành chức năng; để quản lý, điều hành sao cho người dân sử dụng vỉa hè và lòng đường như chức năng vốn có của nó. Mong rằng sự điều chỉnh này sẽ khiến cho vỉa hè và lòng đường không phải “cõng” thêm các chức năng khác; góp phần lập lại trật tự, kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Nguyễn Quang Vinh