Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết vào tháng 10/1947, Hồ Chủ tịch từng đánh giá công tác kiểm tra của Đảng như “ngọn đèn pha”. Bác khẳng định: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có “ngọn đèn pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ… Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”.
Lịch sử 92 năm thành lập và lớn mạnh của Đảng ta đã chứng minh tầm quan trọng của công tác kiểm tra Đảng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác kiểm tra của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Chỉ riêng trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra trên 260.000 tổ chức đảng và trên 1 triệu đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 2.727 tổ chức đảng và 6.179 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên. Công tác kiểm tra Đảng đã phát huy sức mạnh trong tăng cường kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nhằm làm trong sạch đội ngũ, đồng thời có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Công tác kiểm tra Đảng cũng góp phần tích cực trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Ngọn lửa trong “lò” chống tham nhũng rừng rực cháy, thể hiện rõ sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc củng cố, làm trong sạch đội ngũ.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm được cơ quan chức năng khởi tố sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, thể hiện sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và triển khai công tác kiểm tra Đảng. Phương thức triển khai thể hiện sự chủ động và đổi mới rõ nét, việc kiểm tra đi trước một bước tạo tiền đề cho các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm minh. Tiêu biểu là vụ việc liên quan Công ty Việt Á. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thành; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, thành kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan. Ngày 4/3/2022, tại kỳ họp thứ 12, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận hai sĩ quan của học viện Quân y sai phạm liên quan việc nghiên cứu, bàn giao đề tài "Chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)" và trong mua sắm một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á. Sau đó, ngày 8/3/2022, hai sĩ quan này đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Vụ việc đến nay vẫn tiếp tục được điểu tra, mở rộng.
Tương tự, là vụ việc xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển. Tại Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương XIII, từ ngày 28 đến ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cán bộ, đảng viên liên quan. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật một số tướng, tá Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có những hành vi suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đến tháng 4/2022, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chính thức thông báo khởi tố, bắt tạm giam các vị tướng, tá này của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Theo thống kê, năm 2021, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm 12 tổ chức Đảng và 20 Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, mở đường cho các cơ quan thanh tra, điều tra tiếp tục xử lý vụ việc theo pháp luật.
Trong những vụ việc này, Uỷ ban Kiểm tra đã đi trước, chứ không chờ khi vụ án được điều tra xong mới tiến hành kiểm tra. Sự vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động của Uỷ ban Kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng, làm rõ các hành vi sai phạm, các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên cấp cao, đã góp phần chứng minh hiệu quả của việc đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Suy ngẫm lại đánh giá của Bác Hồ về công tác kiểm tra Đảng “như ngọn đèn pha”, càng thấy sự sâu sắc của hình ảnh so sánh. Ngọn đèn không chỉ toả ra ánh sáng minh bạch, mà còn luôn phải đi trước, soi đường. Trong tình hình mới, công tác kiểm tra của Đảng cần tiếp tục được tăng cường và đổi mới. Theo đó, nội dung “nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực…” đã được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội Đảng XIII. Giải pháp hàng đầu là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát trên tinh thần coi trọng công tác dự báo tình hình vi phạm, từ đó mà chủ động có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả. Như vậy, việc “đi trước” một cách chủ động của công tác kiểm tra Đảng có tác dụng ngăn chặn kịp thời, không để các sai phạm ăn sâu, lan rộng, gây nên hệ lụy lớn đối với đất nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, mục đích cuối cùng của công tác kiểm tra, giám sát chính là "trị bệnh cứu người", giữ được cán bộ.
Trong bài phát biểu mới đây tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã nêu rõ: Từ thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy công tác kiểm tra, giám sát đã đi trước như ngọn đèn; đồng thời, như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là một "thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương". Và để công tác kiểm tra, giám sát phát huy được hiệu quả, điều quan trọng nhất chính là yếu tố con người, trong đó các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu, phải thường trực tinh thần phê và tự phê, bám sát thực tiễn cơ sở, từ đó nắm chắc thông tin, thường xuyên thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, có các biện pháp phanh phui mỗi khi những biểu hiện sai sót manh nha xuất hiện.
Có như vậy, “ngọn đèn pha” mới luôn rực sáng, soi tỏ mọi ngóc ngách, dẫn đường; và “thanh bảo kiếm” mới kịp thời can thiệp, ngăn chặn sự lan rộng của những ung nhọt, giúp chữa lành những vết thương, bảo vệ đội ngũ cán bộ, bảo vệ sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.