Lại về một mùa nước nổi

Đã nhiều năm nay người dân vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và tứ giác Long Xuyên (TGLX) mới lại được đón mùa nước nổi.

Mấy năm liền dân vùng này ngao ngán vì không có lũ, kéo theo nhiều hệ lụy với nghề nông. Cả một vùng đồng bằng đầu nguồn mênh mông trải dài từ miệt Mộc Hóa, Tân Hưng của Long An qua Tân Hưng, Hồng Ngự của Đồng Tháp tới Châu Đốc, Tân Châu của An Giang đổ xuống miền hạ của sông Tiền, sông Hậu, của cả hệ thống sông Cửu Long không có “con nước nhảy”.

Cánh đồng bớt màu mỡ, phì nhiêu bởi dòng phù sa không được theo con nước, ruộng đồng không được thau rửa nghiễm nhiên là nơi dung chứa chuột bọ sâu rầy, phá hoại mùa màng, làm sụt giảm sản lượng gieo trồng. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên theo mùa nước nổi không có khiến một bộ phận lớn nông dân lúc nông nhàn và những người chuyên đi làm thuê không có mùa lũ để mưu sinh, cuộc sống thêm khó khăn và buồn tẻ…

Lũ từ xa xưa với vùng ĐTM và TGLX đã là một phần của đời sống mà ngày nay ta gọi là “sống chung với lũ”. Tuy nhiên khi nền kinh tế, xã hội chưa phát triển, người dân vùng lũ gặp không ít khó khăn. Trong một chừng mực nào đó, lũ đã gây ra những thảm họa cho con người. Nhưng cũng từ xa xưa, người dân vùng lũ đã biết thích nghi với lũ, khai thác tính lợi của lũ - nước nổi để làm cho đời sống thêm phong phú, cuộc sống thêm ấm no. Đặc biệt là những thập niên gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã có nhà vượt lũ trong các cụm tuyến dân cư, nơi có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; làm thay đổi hẳn bộ mặt vùng lũ. Có thể nói, trong hàng chục năm qua, Nhà nước và nhân dân vùng lũ đã vừa nâng cao trình độ thích nghi và vừa chinh phục lũ. Tạo cho vùng lũ một bản sắc riêng về diện mạo kinh tế, xã hội, một phương thức canh tác đặc thù, phù hợp; triệt tiêu dần những bất lợi của lũ, để cho vùng lũ - nước nổi là một vùng sinh thái độc đáo, một miền nông thôn điển hình của Nam bộ mang hơi thở của đồng bằng mênh mang, hào sảng, lưu giữ những hình ảnh và ấn tượng đầy thi vị trong lòng khách lãng du.

Năm nay lại có lũ và lũ sớm. Dọc dài vùng lũ đã thấy hàng ngàn, hàng vạn nông dân biến thành ngư dân, giăng câu, thả lưới. Con cá linh riêng của mùa lũ và vùng lũ lại về, bông điên điển nở vàng bờ kinh mang đến nồi lẩu cá linh mùi vị thơm bùi dân dã, thấm vào lòng hơn mọi cao lương, mỹ vị. Cả miệt đồng bằng như thức dậy cùng mùa nước nổi. Người dân bỗng như năng động hơn, không chỉ đóng đáy, giăng câu mà còn nuôi cá, trồng rau trong mùa lũ. Trên miền nuớc nổi bình lặng kia, người nông dân tính chuyện làm giàu. Đó chính là thành quả của sự đầu tư của Nhà nước cho dân vùng lũ đủ điều kiện “an cư, lạc nghiệp” ngay cả giữa những vùng “rốn lũ” năm nào.

Đã lại về một mùa nước nổi, thiên nhiên đã trả lại cho miệt đồng bằng cái thần thái vốn có tự ngàn xưa.


Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN