Giải pháp nào phòng ngừa bạo hành trẻ em

Những vụ bạo hành trẻ em ở trường học còn chưa kịp nguôi ngoai thì dư luận lại bàng hoàng phẫn nộ trước thông tin một bé trai 10 tuổi bị bố đẻ hành hạ trong một thời gian dài ngay tại thủ đô Hà Nội.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự và thực nghiệm hiện trường đối với Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), người được cho là đã hành hạ chính con trai của mình trong thời gian dài. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ nhưng những gì cháu bé kể lại khiến người lớn đau xót và không thể không đặt ra câu hỏi vì sao chuyện này lại xảy ra? Giá như chính quyền, người thân, cộng đồng phát hiện vụ việc và có biện pháp can thiệp sớm hơn…

Thống kê từ Tổng đài tư vấn hỗ trợ bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực từ chính trong gia đình là cao nhất (chiếm 63,2%). Trong đó, bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em (chiếm 37,5%); tiếp đó là người mẹ (chiếm 11,8%); các đối tượng khác trong gia đình thường là bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà. Bị người thân bạo hành khiến cho tình trạng sang chấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình.

Nguyên nhân là do những người chăm sóc trẻ em thiếu kiềm chế và thiếu tôn trọng đứa trẻ và thường trút cơn nóng giận lên đứa trẻ. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng cho biết: Xu hướng các vụ bạo hành trẻ em tăng lên thời gian gần đây do người trực tiếp chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật. Tiếp đến là nguyên nhân những người trực tiếp gần gũi với trẻ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ. Rất nhiều cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ. Đối với giáo viên, nhất là các cơ sở mầm non tư thục, ngoài trang bị kiến thức về dạy, chăm sóc trẻ về dinh dưỡng, phát triển thể chất, thì cũng cần có kỹ năng bảo vệ trẻ.

Mỗi khi có vụ việc làm “nóng” dư luận, rất nhiều giải pháp phòng chống nạn bạo hành trẻ em lại được đưa ra và triển khai rầm rộ. Trách nhiệm của gia đình, của cơ sở giáo dục, của lãnh đạo địa phương cũng được chỉ rõ. Trên thực tế, khi một vụ bạo hành trẻ em được phát hiện, dư luận xã hội lên án, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý cũng rất khẩn trương và trách nhiệm. Nhưng với các giải pháp phòng ngừa – điều quan trọng nhất thì dường như chỉ một thời gian lại lắng xuống cho đến khi có một vụ việc khác được phát hiện.


Luật Trẻ em mới đã có hiệu lực từ 1/6/2017 với nhiều quy định cụ thể về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Quy định thì không thiếu, thậm chí là rất nghiêm khắc với hành vi xâm hại trẻ em. Nhưng để các vụ bạo hành trẻ em không còn xảy ra thì các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa cần thường xuyên liên tục; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, cơ quan, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân. Thực thi pháp luật về trẻ em không thể nào theo mùa vụ hay các đợt phát động.

Trần Ngọc Tú
Để xảy ra bạo hành trẻ em trước hết là trách nhiệm của các cấp chính quyền
Để xảy ra bạo hành trẻ em trước hết là trách nhiệm của các cấp chính quyền

Sáng ngày 6/12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX, lãnh đạo ngành giáo dục đã giải trình nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở cấp học mầm non.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN