Cứ mỗi dịp Tết đến, trong muôn vàn những thanh âm của một xuân mới rộn ràng, có lẽ âm thanh đáng sợ nhất với các gia đình là tiếng hát karaoke ầm ĩ từ nhà hàng xóm.
Nếu như các quán kinh doanh karaoke gây ám ảnh bởi nỗi sợ cháy nổ, thì các phòng karaoke tại gia cũng gây "kinh hoàng" không kém. Với những thính giả bất đắc dĩ, đó là màn tra tấn tiếng ồn gây bức bối bất kể đêm ngày.
Những năm trước, nạn hát loa dạo từng gây huyên náo phố phường, nay đã thuyên giảm đáng kể nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, "phong trào" hát karaoke tại gia thì chưa có thuốc đặc trị, bởi nó mang tính chất cá nhân, với cái lý "nhà tôi, tôi hát".
Hát karaoke tại gia vì thế đã trở thành một vấn nạn lan từ các ngõ phố, khu dân cư đô thị đến cả những làng quê yên ả. Nạn ô nhiễm tiếng ồn này khiến người ta sợ hãi, stress, thậm chí đã dẫn đến không ít vụ việc gây gổ bạo lực, mất cả tình làng nghĩa xóm. Nhiều trường hợp chỉ vì bức xúc bị "tra tấn" tiếng ồn mà dẫn đến án mạng, kẻ chết, người tù tội.
Tiếng hát karaoke từ những giọng ca "hát hay không bằng hay hát" không phải là thứ tiếng ồn dễ chống đỡ hay bỏ qua. Dù đóng hết mấy lần cửa, thì dàn loa khủng bên nhà hàng xóm, cùng giọng hát khi thì như gào thét khi thì rên rỉ cứ xoáy vào tai đến mức căng thẳng, mệt như bị tra tấn. Những ngày Tết này, nhu cầu hát hò lại càng tăng cùng với cường độ của các cuộc tụ tập bên mâm cơm chén rượu.
Ấy vậy nhưng kiểu tra tấn đó lại mặc nhiên là "hợp pháp" bởi quan niệm hát hò là một kiểu giải trí "vô hại", "lành mạnh" và nhà ai người nấy hát.
Nguyên nhân khiến nạn karaoke ồn ào, làm phiền hàng xóm láng giềng cứ tồn tại thách thức như vậy, trước hết phải kể đến ý thức tôn trọng người khác của một bộ phận dân cư còn thấp. Họ chỉ nghĩ đến sở thích cá nhân mình là được hát cho thỏa thích mà không cần quan tâm tới xung quanh. Trong không gian sống chật hẹp ở thành phố, nhà sát nhà và mật độ dân cư cao mà những chiếc loa cùng với giọng hát "xả cồn" dập hết công suất thì thật không ai chịu nổi.
Một nguyên nhân nữa của vấn nạn karaoke còn ở chính sự "cam chịu" một cách bất lực của các nạn nhân. Phần vì nể hàng xóm, phần vì sợ ý kiến có thể gây ra căng thẳng, dẫn tới những hệ lụy khác như to tiếng, hành hung. Trong khi đó, cơ quan chức năng tại địa phương cũng không coi đây là trách nhiệm của mình, không nhắc nhở, tuyên truyền, hay có những xử lý thích đáng, nên nạn hát karaoke ồn ào ngày càng tự do hơn.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy hiện tượng này chỉ là bề nổi của "tảng băng" lối sống ồn ào, thiếu văn minh, thiếu tôn trọng người khác bằng đủ các loại rác âm thanh. Không chỉ nạn karaoke, người dân hằng ngày còn bị tra tấn bởi đủ thứ âm thanh xấu xí, như tiếng còi xe tuýt inh ỏi vô tội vạ khắp các ngả đường; tiếng điện thoại ồn ào trong những không gian chung yên tĩnh; tiếng trẻ em nô đùa hò hét trong những không gian kín mà người tham gia đang cần thư giãn; tiếng các gia đình cãi cọ chửi bới ầm xóm ngõ...
Những thói quen tạo "rác" âm thanh ấy biểu hiện tự nhiên đến mức chủ thể thấy đó là bình thường, bắt người khác phải chấp nhận một cách vô lý. Còn những người xung quanh thì cũng đành chịu đựng, ai đó có lên tiếng lại trở thành người "khó tính"!
Tuy vậy không phải mọi nơi đều thờ ơ với thực trạng "rác" âm thanh. Ở một số địa phương, chẳng hạn một số chính quyền phường ở Đà Nẵng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân, tiến hành các cuộc kiểm tra đo tiếng ồn tại các hộ kinh doanh hay hộ gia đình sử dụng loa công suất lớn, và khi cần thiết sẽ xử phạt, "giam loa". Sau hàng chục trường hợp bị xử phạt, tình trạng karaoke ồn ào đã giảm hẳn.
Thiết nghĩ, những biện pháp như vậy để xử lý nạn hát karaoke ồn ào rất đáng để các địa phương khác xem xét, mục đích là tạo ra một môi trường sống văn minh, hạn chế một thứ ô nhiễm ít được gọi tên nhưng gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống và tinh thần của người dân.
Từ tháng 8/2022, Chính phủ đã có nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều 22 của Nghị định này quy định các mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền cao nhất lên tới 160 triệu đồng đối với vi phạm về tiếng ồn.
"Hành lang pháp lý" đã có, chế tài cũng khá "rắn" nhưng để xử lý vấn nạn karaoke ồn ào cũng như những vi phạm khác về ô nhiễm tiếng ồn thì trên hết vẫn là ý thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương. Ý thức sống, thái độ ứng xử kém cần phải được rèn sửa, uốn nắn bằng tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là các biện pháp xử lý thỏa đáng, qua đó xây dựng một môi trường dư luận luôn phản bác, bài trừ những thói tật xấu xí trong cộng đồng.
Chúng ta đang đối mặt với đủ loại "rác", đủ loại ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng không thể xem nhẹ vấn nạn "rác" âm thanh, ô nhiễm tiếng ồn trên con đường xây dựng một xã hội văn minh, một xã hội xem trọng cả những tác động, ảnh hưởng tới tâm lý, tinh thần của người dân từ những hành vi tưởng chừng là nhỏ.