Chặn gốc 'băm nát' quy hoạch

Dư luận không có gì bất ngờ khi Thanh tra Bộ Xây dựng công bố kết luận cho thấy UBND thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định theo đề xuất của chủ đầu tư, dẫn tới tình trạng “băm nát” hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu.

Đó thực là câu chuyện đã cũ, nhưng chưa lúc nào hết “nhức nhối” trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác ở nước ta nói chung.

Đầu tháng này, trong Kết luận số 39, Thanh tra Bộ Xây Dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án nằm hai bên con đường “đau khổ” Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính. Kết luận cho biết, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch, dựa trên đề xuất của chủ đầu tư, cơ quan chức năng đã nhiều lần điều chỉnh đồ án, điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng sử dụng, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, thậm chí có dự án điều chỉnh tới 5 lần, có dự án tăng từ 5 tầng thành 30 tầng! Nhiều dự án đã “cắt xén” các không gian tiện ích công cộng trong quy hoạch ban đầu như vườn hoa, sân chơi, trạm y tế, sân luyện tập, chợ; quỹ đất cho các công trình trường học, diện tích cây xanh không đảm bảo, thậm chí có dự án còn không có diện tích dành cho cây xanh. Điều đáng nói là các lần điều chỉnh quy hoạch đều không được công khai.

Vấn đề phá nát quy hoạch đô thị đã nhiều lần được các chuyên gia nêu ra và cảnh báo những hệ luỵ, nhưng vẫn không có chuyển biến. Cứ mỗi con đường được mở, mỗi khu đô thị mọc lên, là những tấm bản đồ quy hoạch lại được sửa lên, sửa xuống vì lợi ích của một số ít chủ đầu tư.

Hơn 20 năm về trước, khi vẽ nên khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì thiết kế được một bán đảo đẹp, đáng sống. Nhưng rất nhanh sau đó, khi quản lý quy hoạch bị buông lỏng, đô thị “kiểu mẫu” Linh Đàm đã bị “phá nát” bằng những khối nhà chung cư cao tầng chen chúc, hạ tầng chật chội. Linh Đàm, với ý tưởng ban đầu là những khu phố vườn nhiều cây xanh, với nhà thấp tầng, đã được thay thế bằng hàng loạt chung cư cao tới 40 tầng chen nhau mọc lên, nhức nhối tầm mắt.

Trung Hoà – Nhân Chính cũng từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, “nhồi” thêm cao ốc, “chồng” thêm tầng nhà, khu đô thị này hiện đã bị quá tải về hạ tầng, xã hội.

Không chỉ gây ra sự ngột ngạt về mặt kiến trúc, mà nguy hiểm là việc tuỳ tiện điều chỉnh và vi phạm quy hoạch đô thị còn dẫn đến nhiều hệ luỵ về mặt xã hội, trong đó có tình trạng mất cân đối dân cư. Cứ có đất trống là “trồng” nhà chung cư lên, bất chấp không đủ điều kiện về môi trường, về hạ tầng. Không gian sống tại nhiều nơi ở Hà Nội trở nên ngột ngạt, không tải nổi với khối lượng người quá lớn dồn vào các khối nhà cao ốc. Tiếp đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh như tắc đường, ngập lụt, mất an toàn, an ninh… Tắc đường và ngập lụt trở thành vấn nạn không có lời giải của Hà Nội, và trớ trêu là nó xảy ra ở cả những khu đô thị mới, được đặt nhiều kỳ vọng về hạ tầng thông thoáng. Còn ở những khu vực nội đô cũ, các toà cao ốc cũng không ngại “chen” vào những tuyến phố có mật độ phương tiện giao thông đông đúc, khiến cảnh ùn tắc càng trở nên nan giải.

Lẽ tất nhiên, những bản quy hoạch không phải là thứ bất di bất dịch. Chúng cần được điều chỉnh khi thực sự cần thiết, trên cơ sở phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế. Nhưng điều chỉnh ra sao, cũng phải dựa trên một nguyên tắc cốt lõi là hướng tới lợi ích và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, chứ không phải của một nhóm nhỏ chủ đầu tư các dự án.

Những bản quy hoạch phát triển đô thị được lập nên với tầm nhìn cho một thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại. Nhưng thực tế, những gì xảy ra sau đó lại trở thành “bi kịch” của quá trình phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến Hà Nội và nhiều đô thị khác rơi vào mớ bòng bong: Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống, bộ mặt đô thị lộn xộn, nham nhở...

Gốc rễ của các vi phạm vẫn là vấn đề con người. Khi hệ lụy của việc "băm nát" quy hoạch đô thị được phơi bày, trách nhiệm đầu tiên không phải của cư dân hay nhà đầu tư mà của chính các cơ quan quản lý quy hoạch và xây dựng. Chủ đầu tư đương nhiên luôn mong muốn tối ưu hoá diện tích thương mại để kiếm lợi nhuận, nhưng tiếp tay cho họ là những cơ quan, những cán bộ lãnh đạo cố tình phê duyệt điều chỉnh, cấp phép xây dựng trái quy hoạch, trái quy định… dù biết rõ hậu quả.

Để giải quyết tình trạng này, cần đến một cơ chế giám sát minh bạch, cơ chế xử lý nghiêm minh, mang tính chất răn đe cao, nhằm loại bỏ “lợi ích nhóm” trong lập và điều chỉnh quy hoạch. Sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng, nhưng sự giám sát của nhân dân cũng cần thiết không kém, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm. Vấn đề là cơ chế để tiếng nói của người dân được lắng nghe, và được xử lý đến nơi đến chốn.

Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong sai phạm về điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đô thị cũng cần phải rõ ràng, triệt để. Người buông lỏng quản lý, người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trái luật phải bị xử lý nghiêm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chữ ký của mình. Không thể để mãi tiếp diễn tình trạng quy hoạch đô thị bị “băm nát” luôn nhức nhối trước mắt, mà trách nhiệm thì chung chung, xuê xoa. Và vòng luẩn quẩn chất lượng cuộc sống và bộ mặt đô thị ngổn ngang lại tiếp diễn.

Thu Hằng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN