Không khó để kể ra sự bành trướng của nạn “chạy”, theo thời gian thì chi phối suốt hành trình một đời người, theo không gian thì chi phối từ những góc nhỏ, việc nhỏ nhất đến những nơi lớn nhất, những chỗ quan trọng nhất.
Thật khôi hài khi từ trong bụng mẹ đã phải lo chạy chỗ sinh nở. Ốm đau bệnh tật tất tưởi lo chạy bệnh viện. Từ trẻ mầm non đến học đại học, trên cả đại học thì cuống cuồng lo chạy trường, chạy lớp, chạy điểm. Ra trường đối mặt chạy việc làm; đi làm thì lại “vất vả” lo chạy chức chạy quyền. Rồi còn vô số các “bộ môn chạy lạ” như chạy tuổi, chạy kéo dài thời gian làm việc khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, chạy án, thậm chí cả chạy ra nước ngoài từ bỏ Tổ quốc khi mắc tội... Và cuối cùng, đến lúc từ biệt cõi đời cũng vẫn phải lo toan chạy chỗ an nghỉ! Vậy là cả cuộc đời như một hành khúc “chạy”, tự nguyện, dốc sức, bất tận!
Việc phải “chạy” ăn sâu tới mức, nếu như làm một việc nào đó mà chưa tìm được “cửa” để chạy hoặc chưa “chạy” được thì người ta cảm thấy bất an, không tin có kết quả tốt. Vì thế, họ phải tìm mọi cách “chạy” để được yên tâm, được việc. Từ chỗ có nhu cầu “chạy”, dẫn đến hình thành các đường dây, tổ chức “chạy” quy mô lớn nhỏ. Thậm chí hình thành cả một loại văn hóa đen: Văn hóa “chạy”!
Tôi nhớ có lần một đại biểu Quốc hội đã phải đau xót phát biểu trên nghị trường Quốc hội rằng: Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn, đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách mà minh chứng rõ nét nhất là nạn “chạy” ở tất cả các lĩnh vực. Phát biểu của đại biểu tuy đau xót nhưng đó hoàn toàn là sự thật nhức nhối mà cả xã hội đang phải đối diện, tìm cách diệt trừ.
Nạn “chạy” điểm, chạy trường sinh ra một thế hệ tương lai không chỉ ngu dốt mà còn lừa dối ngồi trong các công sở, bộ máy công quyền. Nạn “chạy” chức quyền cho ra đời một thế hệ lãnh đạo năng lực yếu, đạo đức thiếu, chỉ chăm chăm tham lam vơ vét cá nhân, phát sinh nhiều hệ lụy khác. Nạn “chạy” tội sản sinh ra nhiều tội phạm tiềm ẩn, coi thường tính nghiêm minh, thượng tôn Pháp luật. Đáng sợ nữa là nạn “chạy” khỏi Tổ quốc khi phạm tội, tạo ra những kẻ phản bội lại chính quốc gia dân tộc mình!...
Bởi vậy, vấn nạn “chạy” phải được coi là loại giặc nội xâm, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm bởi tính chất phá hoại có thể làm suy đồi nhiều thế hệ, nhiều ngóc ngách, thậm chí làm sụp đổ mọi nền tảng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với từng số phận, từng tổ chức mà còn cho cả xã hội, đất nước. “Chạy” phải được coi là nạn tham nhũng đáng sợ nhất, chạy việc nhỏ thì là tham nhũng vặt. Chạy việc lớn hơn thì là tham nhũng, đại tham nhũng! Để từ đó có cách xử lý thích đáng nhất với vấn nạn này.
Trong lần xuất hiện mới đây khi chủ trì cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải quan tâm, chỉ đạo sâu sát, tránh tình trạng cứ sắp đến Đại hội là chỉ lo công tác nhân sự mà sao nhãng các công việc thường xuyên; kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng!". Chống chạy chức, chạy quyền, rồi cả chạy trường, chạy lớp, chạy việc… đã trở thành nỗi trăn trở, day dứt của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng…
Đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm, ban hành cả Nghị quyết, Chương trình hành động, các quyết định… liên quan để quản lý, xử lý vấn nạn này. Nhiều ý kiến chỉ đạo từ những vụ việc cụ thể đến cả những vụ việc lớn, nghiêm trọng của các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã cho thấy sự quan tâm, quyết liệt, thể hiện ý chí chính trị trong việc quyết tâm loại trừ vấn nạn “chạy”, được xã hội đồng tình, ủng hộ, dõi theo.
Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đang ngày càng quyết liệt, hiệu quả, đã dần làm sạch bộ máy công quyền, làm trong sạch Đảng và công bằng xã hội, tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân. Coi nạn “chạy” chính là giặc, là tham nhũng, chúng ta sẽ càng có thêm công cụ mạnh để loại bỏ vấn nạn này, trả lại sự trong sạch cho xã hội; tiếp cục củng cố và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng; trả lời được dứt điểm câu hỏi đang day dứt biết bao người: Bao giờ mới hết nạn “chạy”?