Hai triệu trẻ em đang cần sự hỗ trợ hoặc điều trị tâm lý, nửa triệu người đang bị thiếu lương thực trầm trọng, nhiều người đã phải ăn thức ăn dành cho gia súc, ăn cả vỏ trái cây để chống đói..., mức sống của người dân Syria đã rơi xuống mức thấp không thể hình dung nổi sau ba năm đất nước này chìm vào khủng hoảng chính trị.
Khủng hoảng bùng nổ tại Syria vào tháng 3/2011 khi phe đối lập phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Phe đối lập, với sự hậu thuẫn của phương Tây, đã biến các cuộc biểu tình thành các cuộc tấn công bạo lực dữ dội tại nhiều nơi trên khắp Syria. Theo ước tính, đã có hơn 140.000 người thiệt mạng và hơn một nửa số dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, rất nhiều trong số họ hiện trở thành người tị nạn kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Khi người dân Syria đang phải vật lộn trong một điều kiện sống vô cùng tồi tệ, thiếu ăn, thiếu mặc, hàng ngày cận kề với cái chết thì các phe phái chính trị vẫn tiếp tục theo đuổi lợi ích của mình. Không chỉ như vậy, lợi dụng chiêu bài chấm dứt khủng hoảng nhân đạo cho người dân Syria, nhiều thế lực đã kích động bên ngoài can thiệp quân sự vào quốc gia này. Theo các tin tức mới nhất, phe đối lập của Syria và các thế lực bảo trợ bên ngoài đang công khai kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự vào quốc gia này dưới danh nghĩa giải cứu người dân. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi đề nghị mang danh nghĩa nhân đạo nói trên đều không dành được sự đồng thuận của đa số. Cuộc tấn công mang sứ mệnh nhân đạo nhằm vào Libya để lật đổ chính phủ của Tổng thống Moamer Kadafi mở màn cho hàng nghìn phi vụ ném bom vào quốc gia Bắc Phi này là một bằng chứng thảm khốc về cái mà phương Tây gọi là "sứ mệnh nhân đạo" đã trở thành "sứ mệnh tiêu diệt".
Rõ ràng, hòa bình sẽ khó mà tái lập tại Syria khi giải pháp đối thoại không được các phe phái quan tâm. Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva thất bại là một minh chứng cho thấy, đại đa số phe đối lập đều không ngó ngàng đến giải pháp chính trị mà thực chất điều họ tìm kiếm là quyền lực. Thực trạng này cho thấy cuộc khủng hoảng Syria sẽ còn kéo dài.
Chừng nào các lợi ích chính trị vẫn còn được đặt cao hơn sinh mạng của người dân, chừng đó chiến tranh sẽ vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi ở Syria. Xung đột giữa các phe phái đã và sẽ tiếp tục đẩy cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria leo thang nghiêm trọng và nạn nhân vẫn chính là những người dân vô tội chứ không phải là những đối tượng đã châm ngòi nên thảm kịch này.
Cẩm Tuyến