Vì vậy, ngành giáo dục Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho năm học mới.
Trường Tiểu học Chiềng Cang, huyện Sông Mã là một trong những trường có nhiều điểm trường với 12 điểm lẻ. Các điểm trường lẻ thường nằm ở những bản cách xa trung tâm, hệ thống phòng học nhiều nơi còn là nhà tạm. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, ngành giáo dục địa phương đã vận động xã hội hóa để xây dựng các phòng học kiên cố cho ngôi trường này. Trước thềm năm học mới 2021-2022, giáo viên và học sinh nơi đây đã đón nhận niềm vui khi dãy nhà 4 phòng học khang trang đã được hoàn thành. Đây là những phòng học được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa của các nhà hảo tâm với số tiền hơn 700 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Cang chia sẻ, trước đây do phòng học còn thiếu nên nhà trường phải bố trí việc học hai ca ở một số điểm lẻ. Nhưng khi có thêm các phòng học mới như hiện nay sẽ không còn tình trạng học sinh phải chia ra học hai ca mà mỗi khối lớp đều được học 2 buổi/ngày. Qua đó góp phần quan trọng trong việc quản lý và nâng cao chất lượng cho học sinh.
Sông Mã là huyện vùng cao, biên giới địa bàn trải rộng nên hệ thống các điểm trường tương đối lớn. Vì thế, nguồn lực của Nhà nước để đầu tư chưa đáp ứng hết việc kiên cố hóa trường lớp học. Theo thống kê, tại địa phương này còn khoảng 70 phòng học tạm. Do đó, ngành giáo dục đã nỗ lực huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện.
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã cho biết, để từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tích cực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực tài chính hỗ trợ xây dựng trường lớp. Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục đã vận động được 25 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất và kiên cố trường lớp học. Bước vào năm học 2021-2022, sẽ có thêm 50 phòng học được tu sửa, xây mới được đưa vào sử dụng.
Còn tại huyện vùng cao Quỳnh Nhai, năm học 2021-2022 có 79 điểm trường với hơn 19.000 học sinh. Thời gian qua, do ảnh hưởng từ thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, gây ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho các em học sinh bước vào năm học mới. Để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt đối với một số trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, vừa qua huyện Quỳnh Nhai đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp học, nhà bán trú.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai thông tin, năm học 2021 - 2022 huyện đăng ký phấn đấu 8 trường ở ba cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Do đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp học đã được các đơn vị chú trọng. Trong đó, chú trọng huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để cải tạo, sửa chữa phòng học, phòng nội trú, nhà bếp, nhà ăn.
Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có hơn 13.000 phòng học, trong đó có khoảng 9.000 phòng học kiên cố. Vừa qua, đã có trên 350 phòng học được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Theo ông Cầm Văn An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, ngay từ khi kết thúc năm học 2020-2021, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố rà soát đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp. Đến thời điểm này, các trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng cho năm học mới. Đối với cấp Tiểu học, cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75%. Ngoài ra, cơ sở vật chất như thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa.