Ngày 25/1, tại Cardiff, thủ phủ của xứ Wales, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales bà Kirsty Williams về công tác hợp tác đào tạo, đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị giáo dục, hợp tác nghiên cứu giữa các trường Việt Nam và các trường của Wales.
Đặc biệt, chính quyền xứ Wales, thông qua quỹ Wales toàn cầu, sẽ dành cho Việt Nam 20 suất học bồng toàn phần sau đại học mỗi năm (2020-2022) học tại các trường đại học của Wales theo chương trình học bổng Chevening của Chính phủ Anh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết chuyến công tác đã rất thành công trên nhiều phương diện, thứ nhất là qua trao đổi về tình hình cải cách giáo dục với bộ trưởng các nước tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới, các bộ trưởng đã học hỏi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm với nhau, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và học tập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng, tuy nhiên kỹ thuật và kinh nghiệm để áp dụng vào Việt Nam cần phải làm kỹ hơn vì mỗi nước có những điều kiện khác nhau khi áp dụng công nghệ đối với giáo viên, học sinh, thậm chí cả đối với phụ huynh cũng phải có những lộ trình bước đi thích hợp.
Bộ trưởng khẳng định xu hướng sử dụng công nghệ trong giáo dục là rất mạnh, đồng thời cho biết đã trao đổi với các công ty công nghệ và các đồng nghiệp tại hội chợ triển lãm công nghệ giáo dục thế giới, mọi người đều rất tin tưởng, kỳ vọng Việt Nam sẽ là một trong những nước đi nhanh trong việc áp dụng kỹ thuật mới này.
Một trong những thành công trong chuyến công tác của đoàn Bộ Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam tại Anh là Việt Nam đã đăng cai được triển lãm công nghệ giáo dục thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3/2019.
Triển lãm công nghệ giáo dục sẽ thu hút nhiều công ty phát triển về công nghệ giáo dục và các nhà giáo dục toàn cầu đến với Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở giáo dục của Anh Quốc. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, công nghệ giáo dục đi kèm với tiếng Anh là 2 công cụ quan trọng đẩy nhanh sự tiến bộ, tạo ra những đột phá về chất lượng giáo dục cho Việt Nam.
Một thành công khác nữa trong chuyến công tác này là rất nhiều trường đại học lớn, các trung tâm khảo thí tiếng Anh, các nhà xuất bản, công ty, tập đoàn lớn cung cấp các dịch vụ về tiếng Anh như Cambridge, Pearson đều rất quan tâm đến giáo dục của Việt Nam và muốn vào Việt Nam để cùng tham gia đề án Ngoại ngữ Quốc gia của Việt Nam trong vấn đề dạy, kiểm tra đánh giá đo lường chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục Việt Nam triển khai chiến lược đổi mới căn bản toàn diện, trong đó có chương trình sách giáo khoa mới. Đây là dịp rất tốt để Việt Nam áp dụng phương pháp giáo dục mới, trong đó có áp dụng nhiều công nghệ cho chương trình tiếng Anh, chương trình giáo dục STEM.
Nói về 30 bản ghi nhớ (MOU) đã được ký giữa khoảng 19 đại học, 11 trường phổ thông và trên dưới 10 công ty giáo dục của hai nước trong chuyến đi trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đáng chú ý là nhiều MOU không phải là lần đầu tiên được ký, các đối tác đã làm việc với nhau kỹ nên tính khả thi khá cao.
Ngoài liên kết đào tạo, liên kết về nghiên cứu để tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các trường học cũng được Bộ trưởng đề cập trong các buổi làm việc và đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ phía Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Anh rất mạnh về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong phát triển cơ hội việc làm mới. Các trường đại học sang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đặc biệt có thể cùng với Anh mở các trung tâm khởi nghiệp đổi mới ở các trường đại học Việt Nam là điều hai bên sẽ hướng tới.
Trong tương lai, quan hệ hợp tác hai chiều sẽ được chú trọng, một mặt tạo điều kiện để các du học sinh Việt Nam sang Anh học, mặt khác thu hút các cơ sở giáo dục của Anh sang Việt Nam để mở các trường, giảng dạy, qua đó để Anh cũng đưa một số người Anh sang Việt Nam học tập và làm việc trong lĩnh vực này.
Đề xuất đã được phía Anh quan tâm và nhất trí. Bộ trưởng khẳng định ông có niền tin rất lớn vào chiến lược hội nhập đào tạo, trong đó Anh là nước có rất nhiều triển vọng.