Về nơi “nuôi chữ” Nậm Lành

Dịp tháng Ba, tháng Tư này, thời tiết nơi Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) thường chỉ có hai “kiểu”: hoặc nắng gắt, bụi mù; hoặc mưa dầm, bùn nhão. Khó khăn vậy, nhưng vẫn có những người tìm đến nơi đây, để thăm nơi “nuôi chữ” cũng là nơi “nuôi” những giấc mơ…


Chúng tôi đến với Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) trong chuyến đi khởi động cho một chương trình hỗ trợ trường học mang tên “Vì thế hệ tương lai” do Canon Việt Nam tài trợ vào một ngày được coi là khá đẹp trời, song các tình nguyện viên vẫn phải mướt mải mồ hôi khi chuyển hàng vào điểm tập kết.
“Viết cái chữ khó lắm”

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, người giáo viên 14 năm cắm bản.


Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, thôn Giàng Cài (xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), bọn trẻ như đã có ý ngóng từ xa, rồi ùa ra khi thấy các anh chị tình nguyện viên. Những bộ quần áo nhem nhuốc, những đôi chân trần nứt nẻ, nhưng mắt em nào cũng sáng rỡ, trong veo…


Cô Nguyễn Thị Hương, chủ nhiệm lớp 1A, đã công tác tại trường 14 năm. Những năm trước, cô Hương dạy trong bản lẻ, đến khi con đi học lớp 1 thì cô chuyển ra để vừa chăm con, vừa dạy học. Theo cô, dạy trẻ lớp 1 là khó nhất, vì các em bé người dân tộc thiểu số ít có dịp giao tiếp nên nhận thức còn hạn chế. Một tuần, cô trò bên nhau đến 5 ngày, cô giáo phải kiên nhẫn gò các em vào nếp học hành, sinh hoạt… nhưng thầy trò nhiều khi không hiểu nhau vì các em chưa biết nói tiếng Kinh, còn vốn từ tiếng dân tộc của giáo viên lại hạn chế. Lúc ấy, đành phải nhờ những “thông dịch viên” là các bạn lớn học trong lớp ghép, hiểu được tiếng Kinh để giảng giải. Sau, các cô có sáng kiến là dùng thật nhiều tranh ảnh minh họa để diễn giải, giúp các em tiếp thu tốt hơn.

Nét chữ ngây ngô còn sai dấu, sai vần.


Lên tận nhà một vài học sinh ở gần mới thấy “thấm” cái sự vất vả trong dạy và học đất này. Dù gần, nhưng đường từ nhà đến trường vẫn không hề dễ dàng với những đôi chân bé xíu kia, các em cứ đầu trần chân trần, băng qua biết bao cái dốc, suối cạn, cầu gỗ ọp ẹp… để đến lớp mỗi ngày.


Cô giáo Hoàng Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 4C, điểm trường thôn Ngọ Lành cho biết: Điểm trường có hai lớp với 26 học sinh lớp 3 và 4, riêng lớp cô có 11 học sinh thuộc hai dân tộc Dao và Mông. Về điểm trường này được 9 năm, có những học sinh mà cô “thuộc nết” từ khi lẫm chẫm biết đi cho đến lúc vào lớp. Như em Mùa A Thấy (dân tộc Mông) lên lớp 4 mà vẫn quên âm, nhầm vần, cứ sau một kỳ nghỉ là cô lại phải ôn lại hầu như toàn bộ.


“Viết cái chữ khó lắm. Nó cứ ngoằng vào nhau. Nghe đọc không biết được phải viết âm này hay âm này…” - một cậu bé người Mông bẽn lẽn tâm sự. Nhìn vào vở em, thấy một đàn chữ líu ríu dắt nhau chạy xiên ngang, nhưng đã nên câu, nên từ. Mới thấy, ánh rưng rưng trong đáy mắt cô giáo có cả nỗi tủi thân, niềm vui và sự tự hào vô kể về lũ học trò mắt sáng, đầu chỉ nghĩ chuyện chơi này.


Học chụp ảnh có khó không?


Đến với các em bé vùng cao, ngoài những món quà vật chất, chương trình “Vì thế hệ tương lai” còn đưa hoạt động dạy chụp ảnh cho trẻ em vào chương trình. Nhiều người có lẽ sẽ tự hỏi, các em học sinh vùng cao, cơm không đủ ăn còn nghĩ gì đến chụp ảnh. Nhưng tận tay trao chiếc máy ảnh cho các em, tận tay hướng dẫn rồi cùng xem những tác phẩm còn run tay, còn mờ nét nhưng đầy tình cảm với mảnh đất quê hương của các em mới thấy xúc động thật sự.

Những nhiếp ảnh gia nhỏ tuổi hạnh phúc khi được chụp hình các bạn mình.


Ai cũng có quyền mơ ước, quê hương các em thật đẹp, vậy tại sao không giúp các em nuôi dưỡng mơ ước, lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ, những cảnh đẹp quê mình để chia sẻ với mọi người. Trao tặng bộ máy ảnh, máy in ảnh nhỏ cho các thầy cô, chúng tôi cũng thầm mong ước, cùng với việc dậy các em học chữ, học thành người, các thầy cô sẽ là người nâng bước các em tới những mơ ước xa hơn.

Trường Tiểu học Nậm Lành có 6 điểm trường cách điểm trường chính từ 7 - 15 km với các thầy cô giáo “cắm bản” để thuận tiện cho các em nhỏ theo học. Cùng với Nậm Lành, trường Tiểu học Nậm Mười cũng “chung tay” mang cái chữ cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Dao, Thái và Mông nơi đây. Bà con chủ yếu sinh sống và canh tác trên núi, nên nhiều em sống cách xa điểm trường tới hàng chục cây số, phải ở lại nội trú, cuối tuần chờ cha mẹ đến đón về.


Lần đầu tiên được nhìn thật kĩ một chiếc máy ảnh hiện đại, em Quyến lớp 3D trường Nậm Lành không khỏi ngỡ ngàng và rụt rè. Được các anh chị hướng dẫn cách chụp, chỉnh góc, Quyến chần chừ mãi mới dám cầm chiếc máy ảnh tình nguyện viên đưa để chụp các bạn cùng lớp những bức ảnh đầu tiên. Quyến cầm chiếc máy gọi bạn: “Bạn Tòn ở trong máy này chị ơi! Tòn ơi ảnh này!” khiến bạn phụ trách dạy chụp ảnh cho các em học sinh khối lớp 3 không khỏi xúc động giấu những giọt nước mắt.


Với sự tài trợ của công ty Canon, những bức ảnh các em chụp được sẽ tham gia vào dự án liên kết các quốc gia châu Á của Canon mang tên “Photos Exchange” với thông điệp “You are not alone” (Các em không cô đơn), trao đổi những bức hình qua nhiều nước trên thế giới. Hy vọng, với những thành công của chương trình này, sẽ có nhiều tài năng nhiếp ảnh vùng cao được phát hiện. Và càng hy vọng sự sẻ chia, tinh thần thiện nguyện sẽ lan rộng đến cộng đồng.



Bài và ảnh:Lê Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN