Rà soát lại đề án tuyển sinh
Để khắc phục tình trạng nêu trên, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ cam kết đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, thí sinh nhập học các trường năm 2018 và năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học và xã hội cùng giám sát. Bộ cũng thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường, cũng như sẽ rà soát lại đề án tuyển sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), các chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển, hệ số bài thi/môn thi, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)... mà trường công bố phải đúng như cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh. Hiện nay có tình trạng đề án tuyển sinh một số trường còn chưa chính xác về số lượng giảng viên. Đồng thời, một số trường thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành không rõ ràng...
Còn theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng: Việc sai phạm trong liên kết đào tạo như đào tạo không phép, sai đối tượng, sai địa chỉ… đang diễn ra tại nhiều trường. Thực hiện Nghị quyết 63 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã rà soát, xử lý bước đầu và sẽ tiếp tục xem xét xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về đào tạo chính quy, đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính, hay việc không ban hành quy chế văn bằng chứng chỉ, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan…
"Bộ GD&ĐT đang tập trung thanh tra các trường ĐH: Điện lực, Trưng Vương… Có thể nói, những vi phạm trên đang tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo ĐH, gây bức xúc cho xã hội và ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là trường nào sai phạm, vi phạm quy chế, quy định, thì các trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng khẳng định.
Ông Nguyễn Huy Bằng cũng chia sẻ: Nhiều ý kiến cho rằng, các hình phạt hiện nay (với mức phạt 20 - 30 triệu) theo Nghị định 158/CP về xử phạt hành chính chưa đủ mức răn đe. Bên cạnh hình thức phạt tiền, thì các trường phải có giải pháp khắc phục hậu quả và có thể bị dừng tuyển sinh liên kết đào tạo trong 3 năm. Tuy nhiên, việc khắc phục này không dễ.
Trước những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định: Cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo hình thức: Trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo, Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… Thậm chí bị phạt hành chính, xử lý hình sự tùy theo mức độ sai phạm.
Đóng cửa những trường không đảm bảo chất lượng
Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Về đào tạo ĐH, các trường phải minh bạch và chú trọng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Trường nào chất lượng kém, sau một thời gian không cải thiện được, sẽ phải đóng cửa, nhằm đảm bảo trong sạch hệ thống ĐH. Đồng thời, các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng đào tạo, hạn chế tạo ra sự mất lòng tin trong xã hội, người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.
“Cần quyết tâm xây dựng nền giáo dục ĐH trung thực, chất lượng. Chất lượng tới đâu công bố tới đó. Hiện nay, chất lượng học sinh phổ thông không thấp, nhu cầu học đại học lớn. Bên cạnh đó, thị trường lao động cần nhiều nhân lực chất lượng và chất lượng cao... Đây là những yếu tố thuận lợi của các trường ĐH đào tạo theo nhu cầu xã hội”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Do vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH công bố công khai đề án tuyển sinh, bao gồm những vấn đề như: Cơ sở vật chất, số lượng đội ngũ giảng viên, số sinh viên ra trường có việc làm 2 năm gần đây, học phí...
“Đã đến lúc các trường cần thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không thuần túy đào tạo được bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ. Phải lấy sự phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm mục tiêu phát triển. Tư duy quản trị ĐH là quản trị theo mục tiêu, lấy khách hàng làm mục tiêu hướng tới. Mỗi trường ĐH phải trở thành trung tâm động lực phát triển cho địa phương, cho từng vùng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.