Trong văn bản nêu rõ, tất cả các cơ sở giáo dục, các cá nhân, đơn vị có liên quan đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định của của ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục; không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi mắc COVID-19 hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Việc tổ chức học bán trú của học sinh trong giai đoạn hiện nay phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo, trong đó cần lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc: hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.
Về quy trình kiểm soát dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục, thành phố bổ sung thêm trường hợp F1 đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ. Do trẻ chưa có ý thức tuân thủ 5K, khả năng tiếp xúc giữa các trẻ khi học tập, vui chơi tại lớp rất lớn, do đó nếu có 1 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính thì toàn bộ học sinh trong cùng lớp được xác định là F1.
Khi phát hiện học sinh có ít nhất 2 trong các biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, đau nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp thì cần yêu cầu học sinh mang ngay khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác. Giáo viên, người chăm sóc thông báo ngay đến Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, nhân viên phụ trách y tế trường học sẽ đánh giá nhanh tình trạng sức khỏe của học sinh. Nếu học sinh có một trong các triệu chứng nặng (sốt cao; tím tái môi, đầu chi; khó thở, thở nhanh; thở rên; SpO2<97; li bì; lờ đờ; co giật...) thì thông báo ngay Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi (nếu có) trên địa bàn để được hỗ trợ; thông báo cho phụ huynh/người giám hộ của trẻ. Nếu học sinh có triệu chứng nhẹ (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi…) thì chuyển học sinh đến phòng cách ly tạm thời và thực hiện ngay xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính: Nếu học sinh sốt hoặc có triệu chứng bất thường cần báo cho phụ huynh/người giám hộ đưa trẻ đi khám bệnh ngay; nếu trẻ không sốt, theo dõi sức khỏe và tiếp tục học tập trực tiếp tại trường.
Trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính (F0): Nhân viên phụ trách y tế trường học thông báo cho Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục biết và thực hiện xử trí khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục gồm 4 bước: Thông báo ngay cho Trạm y tế cấp xã; Xử lý trường hợp F0; Xác định, xử lý người tiếp xúc gần (F1); Vệ sinh, khử khuẩn lớp học.
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 14 - 22/2, số ca trẻ em mắc COVID-19 tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước đó. Cụ thể, ghi nhận 7.505 ca trong trường học, gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp Mầm non là 394 em, cấp Tiểu học là 2.786 em, Trung học Cơ sở là 1.875 em, Trung học Phổ thông – Giáo dục thường xuyên là 1.744. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng với 201 trường.