Thêm một vụ giáo viên bị hành hung tại Nghệ An, Bộ Giáo dục đề nghị công an vào cuộc

Ngày 13/3 vừa qua, thầy giáo Đặng Minh Thủy, giáo viên Trường THCS Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục lên tiếng bảo vệ quyền lợi người giáo viên.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí, chiều tối 15/3, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-DTD) đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT Nghệ An, yêu cầu cơ quan này đề nghị công an trên địa bàn vào cuộc điều tra xác minh làm rõ vụ việc và xử lý theo đúng pháp luật việc hành hung nhà giáo.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Sở GD-ĐT Nghệ An qua sự việc trên rút kinh nghiệm và lưu ý trong toàn ngành về văn hoá ứng xử trường học; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện; đồng thời nâng cao kỹ năng sư phạm cho nhà giáo, không để những sự việc đáng tiếc tiếp tục xảy ra.

Trước đó, một số báo đưa tin, vào khoảng 10h ngày 13/3, đối tượng Nguyễn Văn Đoàn (SN 1997, trú tại xóm Tân Đức, xã Tân Thành), là anh trai của học sinh Nguyễn Văn Phong (lớp 9D, Trường THCS Tân Thành) cùng một đối tượng khác là Hoàng Văn Đề (trú ở xóm Tân Lộc, xã Tân Thành) đến trường này để gặp thầy giáo Đặng Minh Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 9D).

Trong lúc lời qua tiếng lại tại đây, Đoàn đã dùng tay đấm, còn Đề dùng chiếc ghế gỗ 4 chân để ném vào thầy Thủy khiến thầy bị chảy máu mũi, gục xuống tại chỗ. Hiện thầy Thủy đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn.

Nguyên nhân của sự việc được xác định là do học sinh Phong có vi phạm nội quy trong lớp học nên thầy Thủy đã nhắc nhở, đồng thời mời phụ huynh của học sinh này lên để làm việc.

Tháng 12/2017, Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021.


Chương trình hành động với mục tiêu cụ thể: 100% các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống bạo lực học đường cho cán bộ, nhà giáo và người học; 100% các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; rèn luyện kỹ năng sống cho người học; 100% các cơ sở giáo dục công khai kế hoạch và các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường.


100% cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường; Thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời khi có người học bị bạo lực học đường; 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện bộ Quy tắc ửng xử văn hóa trong trường học.


L.S/Báo Tin tức
Xử phạt học sinh, thế nào cho đúng?
Xử phạt học sinh, thế nào cho đúng?

Vụ ép cô giáo quỳ xuống xin lỗi phụ huynh học sinh vừa qua ngay trong ngôi trường mình giảng dạy ở Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã gây chấn động dư luận không chỉ trong ngành giáo dục. Có giới hạn nào cho việc xử phạt, răn dạy học sinh, có khoảng cách nào của đạo nghĩa thầy trò xưa và nay, có tổn thương nào trong học sinh khi đem những hành xử kiểu “luật rừng” vào môi trường giáo dục?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN